Kiên Giang:
Cho phép tách thửa trở lại với đất nông nghiệp ở Phú Quốc
(Dân trí) - Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản quy định điều kiện tách thửa từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Đây là quyết định người dân mong chờ đã lâu, nhất là cư dân sống tại TP Phú Quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành vừa ký quyết định quy định về điều kiện tách thửa các loại đất có hiệu lực từ ngày 26/8/2021. Quyết định này sẽ thay thế Quyết định số 16 của UBND tỉnh Kiên Giang đã ký vào 7/2019.
Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp, cụ thể đối với đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác) ở khu vực đô thị (thị trấn, phường) thuộc TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên là 600m2; khu vực nông thôn (xã) thuộc TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên là 1.000 m2.
Đất trồng cây lâu năm ở khu vực đô thị (thị trấn, phường) thuộc TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên là 300m2; khu vực nông thôn (xã) thuộc TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên là 500m2.
Đất nuôi trồng thủy sản khu vực đô thị (thị trấn, phường) là 1.000m2; khu vực nông thôn (xã) là 2.000m2; đất rừng sản xuất là 3.000m2.
Tuy nhiên, để đủ điều kiện tách thửa, các thửa đất không có tranh chấp, phải đảm bảo diện tích tối thiểu tách thửa theo quyết định này; quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất.
Còn đối với đất ở, theo quy định mới, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa đối với đất ở tại nông thôn là 45 m2, đối với đất ở tại đô thị là 36 m2.
Diện tích này không bao gồm diện tích hành lang an toàn giao thông, đường thủy, đê điều (nếu có). Đồng thời phải đảm bảo các điều kiện theo Quyết định số 11 quy định cụ thể.
Trường hợp tách thửa trong các dự án khu dân cư đã được duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 thì diện tích tách thửa thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được duyệt.
Khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 thì diện tích tối thiểu được tách thửa như sau: đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm gốm là 500m2. Các loại đất phi nông nghiệp (trừ đất ở) còn lại, bao gồm cả đất thương mại, dịch vụ là 300 m2.
Vào năm 2018, tại huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) xảy ra tình trạng "sốt" đất, kéo theo tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, xây dựng nhiều công trình không phép, sai phép… ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý đất đai trên địa bàn Phú Quốc. Ngay sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang có "lệnh" tạm dừng việc phân lô, tách thửa.
Đến 7/2019, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 16 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh, trong đó có đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, vừa đưa vào áp dụng phát sinh những bất cập nên UBND tỉnh này có công văn chỉ đạo tạm dừng tách thửa trên địa bàn TP Phú Quốc đến nay.
Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng nhất là những khu vực quy hoạch đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí công cộng…), diện tích tách thửa nhỏ 300 m2, 500 m2.
Trao đổi với Dân trí, ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc - cho biết, quy định mới và có hiệu lực vào 26/8 giúp người dân cũng như chính quyền địa phương quản lý tốt hơn về đất đai. Tuy nhiên, hiện nay do dịch bệnh nên ngành chức năng TP Phú Quốc chưa tiếp nhận hồ sơ tách thửa, vì hiện nay Phú Quốc cũng như tỉnh Kiên Giang đang thực hiện cách ly xã hội đến 5/9.
Khi hay tin "lệnh" tạm dừng tách thửa được "mở" sau hơn 3 năm đứng im, nhiều người dân TP Phú Quốc rất vui mừng vì có điều kiện làm các thủ tục tách thửa, chuyển mục đích, thực hiện việc chuyển nhượng, vay vốn sản xuất...
Tuy nhiên, người dân TP Phú Quốc mong chính quyền địa phương quản lý chặt, không để tình trạng "sốt" đất ảo như thời gian qua, ảnh hưởng lớn đến đời sống cư dân trên đảo. Vì đa phần dân đến mua đất, là dân ở các địa phương khác, mua xong không sử dụng đúng mục đích sử dụng đất, phân lô, xây dựng trái quy định pháp luật.