Chiếc cốc thủ ngữ ở "quán cafe ký hiệu" và bài học nhân văn kiểu Nhật

Mai Nâu

(Dân trí) - Chiếc cốc độc quyền của Starbucks rất phong cách, nhưng cũng mang ý nghĩa nhân văn cao cả.

Starbucks thích ứng rất nhiều với gu và phong cách của từng địa phương. Vì thế, tại các quán cà phê của chuỗi ở Nhật Bản, bạn có thể mua cốc hoặc bình đựng có hình núi Phú Sĩ, hoa anh đào hoặc những địa danh đặc trưng cụ thể của nhiều thành phố Nhật Bản.

Tuy nhiên, sản phẩm mới nhất hiện có tại chi nhánh Nonowa Kunitachi của Starbucks ở Tokyo không phải về cảnh quan, mà là về những người làm việc và khách ở đó.

Chiếc cốc thủ ngữ ở quán cafe ký hiệu và bài học nhân văn kiểu Nhật - 1

Sản phẩm cốc và sổ có in hình minh họa ngôn ngữ kí hiệu tại Starbucks. Ảnh: Soranews24

Starbucks Nonowa Kunitachi, khai trương vào tháng 6 năm ngoái, được coi là "quán cafe ký hiệu". Một số nhân viên của quán là người khiếm thính và tất cả các nhân viên đều có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Theo lẽ tự nhiên, điều này khiến nơi đây trở thành một quán cà phê đặc biệt tiếp đón những vị khách hàng khiếm thính, đồng thời là cơ hội cho những người không tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ ký hiệu có dịp trải nghiệm và chứng kiến cách mà thủ ngữ giúp cho người dùng giao tiếp, cũng như sống một cuộc sống trọn vẹn.

Do đó, chiếc cốc độc quyền của Nonowa Kunitachi không chỉ được in tên thương hiệu Starbucks bằng tiếng Anh mà còn kèm theo hình ảnh minh họa các chữ cái bằng thủ ngữ.

Chiếc cốc thủ ngữ ở quán cafe ký hiệu và bài học nhân văn kiểu Nhật - 2

Cận cảnh chiếc cốc in hình minh họa đặc biệt của Starbucks. Ảnh: Soranews24

Phiên bản song ngữ của logo Starbuck cũng xuất hiện trên tạp dề mà nhân viên Nonowa Kunitachi đeo, và bìa cuốn sổ sắp được bán cùng với cốc.

Bên trong, logo nằm ở góc dưới cùng bên phải của các trang viết còn các trang khác có hình sơ đồ về cách ra ký hiệu khi muốn đề cập tới số lượng, kích cỡ đồ uống.

Chiếc cốc thủ ngữ ở quán cafe ký hiệu và bài học nhân văn kiểu Nhật - 3

Ngoài sản phẩm cốc, Starbucks cũng cho ra mắt sổ minh họa ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Soranews24

Ví dụ về các trang hướng dẫn đó có vẻ hơi thừa, vì những người sử dụng thủ ngữ đều có vốn từ vựng cơ bản. Tuy nhiên, Starbucks hy vọng rằng cốc và sổ, ngoài việc trông đẹp mắt và nâng cao nhận thức, còn có thể đóng vai trò là điểm tiếp xúc giúp giảm bớt rào cản về ngôn ngữ ký hiệu cho những người không phụ thuộc vào nó. Đặc biệt, chi nhánh Nonowa Kunitachi sẵn lòng nhận đơn đặt hàng bằng ngôn ngữ ký hiệu. Đây là cơ hội cho những khách hàng không phụ thuộc vào ngôn ngữ ký hiệu có thể trải nghiệm, và đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu rõ hơn về người khiếm thính.

Cả cốc và sổ đều được bán từ đầu tháng 12 tại chi nhánh Nonowa Kunitachi (giá lần lượt là 1.800 yên và 2.000 yên).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm