Câu chuyện nhà ở xã hội: Nhu cầu lớn nhưng khó thực hiện

(Dân trí) - Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng về nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2020 mới chỉ đáp ứng ở mức 30%, cho thấy câu chuyện định cư của người lao động thu nhập thấp vẫn còn nhiều bất cập.

Với dân số hơn 90 triệu dân trên toàn quốc, có thể nhận thấy nhu cầu sở hữu đất đai, nhà ở vẫn luôn là mục tiêu quan trọng và có tính "đời người". Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cùng nền kinh tế thị trường và xu hướng công nghiệp hóa, việc cân bằng quỹ đất để vừa đáp ứng phát triển hoạt động kinh doanh sản xuất, vừa đảm bảo không gian và chất lượng cuộc sống cho người dân trở thành bài toán cần được nghiêm túc nhìn nhận.

Đầu năm 2018, có 1,2 triệu công nhân làm việc tại khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở. Đến 2020, con số này khoảng 3 triệu người. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh tại hội thảo năm 2019 về chủ đề "Phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam - Giải pháp và kinh nghiệm quốc tế": "Để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Một trong những mục tiêu chính của Chiến lược là đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị; đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở."

Câu chuyện nhà ở xã hội: Nhu cầu lớn nhưng khó thực hiện - 1

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 440 nghìn căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được hơn 30% kế hoạch. Giải thích cho tình trạng này có thể tóm gọn trong 3 khía cạnh: Chính sách hỗ trợ đầu tư, Cạnh tranh kinh doanh bất động sản và Khả năng chi trả của người lao động.

Theo quy định hiện hành, các khoản hỗ trợ tài chính đã có nhưng chưa đầy đủ. Ngân hàng thường chỉ ưu đãi về lãi suất, còn lại phải tự huy động 100% nguồn tiền. Điều này khiến ngân sách khó đủ để đáp ứng nhu cầu vay xây dựng của chủ thầu và vay mua nhà của người lao động. Chính sách giải ngân quỹ đất cho nhà ở xã hội chưa rõ ràng cũng khiến tiến độ thi công chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, quy trình cấp phép đầu tư nhà ở xã hội khá phức tạp, kéo dài có khi lên tới 3-4 năm dẫn đến tâm lý nâng giá bán nhằm đảm bảo biên độ lợi nhuận. Chính điều này khiến dự án trở nên kém hấp dẫn trong cuộc đua cạnh tranh giảm giá, thậm chí chịu lỗ nói chung hiện nay.

Về phía người lao động thu nhập thấp, tài chính vẫn luôn là mối bận tâm nhất. Nếu lấy mức giá niêm yết trả theo hình thức thanh toán một lần hoặc từng đợt như hiện nay, so với bình quân lương trung bình chỉ vào khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, thì ước mơ an cư lạc nghiệp với nhiều người còn quá xa vời.

Anh Bùi Văn Sơn - công nhân nhà máy thép tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) sau khi làm hồ sơ mua nhà ở xã hội sử dụng nguồn vốn vay, cho biết: "Tôi được ngân hàng thông báo người vay phải đóng tiền tiết kiệm nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng và khoản tiền này sẽ thực hiện ngay từ tháng đầu tiên của hợp đồng vay. Nếu tính cả tiền lãi, tiền gốc và tiền tiết kiệm, tôi phải đóng khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng, quá cao so với mức thu nhập của công nhân".

Câu chuyện nhà ở xã hội: Nhu cầu lớn nhưng khó thực hiện - 2
Khu đô thị Pruksa Town tại Hải Phòng của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, là một trong số hiếm hoi các dự án nhà ở xã hội được thi công và hoàn thành đúng với kế hoạch xây dựng đề ra ban đầu

Trong bối cảnh đó, có những dự án nhà ở xã hội xây dựng đúng tiến độ, được đưa vào sử dụng trở thành điểm sáng. Theo tìm hiểu của PV, Hải Phòng hiện là một trong các thành phố đi đầu trong công tác chỉnh trang đô thị, đặc biệt chú trọng các dự án cải tạo chung cư cũ và nhà ở xã hội. Trong đó, 2 dự án nhà ở xã hội quy mô khá lớn đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng gồm Khu Chung cư Bắc Sơn của Công ty Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng và Khu đô thị Pruksa Town được CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã chứng khoán TCH - sàn HoSE) thông qua công ty thành viên đầu tư xây dựng. Đáng chú ý, Pruksa Town là dự án có quy mô 20.68 ha, với 2.480 căn hộ được chia thành 5 khu nhà ở cao 5 tầng, 22 khu nhà ở cao 3 tầng và 11 căn hộ tái định cư. Dự án được triển khai đồng bộ nhanh chóng từ năm 2016 và vinh dự nhận giải thưởng “Dự án đáng sống năm 2019”.

“Pruksa Town có đầy đủ các dịch vụ, tiện ích như trường mầm non, trường học, siêu thị, khu vui chơi giải trí, mức giá phải chăng và thời gian hoàn thiện đúng như cam kết…. Gia đình tôi cảm thấy thoải mái và hài lòng” - Chị Minh Hương, cư dân mới chuyển đến sống tại Pruksa Town cho biết.

“Trước đây, cứ nhắc đến nhà ở xã hội tôi lại thấy lăn tăn vì báo đài đưa tin nhiều bất cập quá. Thu nhập của tôi cũng không phải dư dả nên việc tìm nhà gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ ngày các dự án nhà ở xã hội mới tại Hải Phòng hoạt động, chất lượng đảm bảo đúng như cam kết từ chính quyền và chủ đầu tư, tôi thấy yên tâm hơn. Hiện tôi đang hoàn tất thủ tục vay trả góp để nhanh chóng cho gia đình một chỗ ở an toàn, tiện nghi” - Anh Quốc Công, công nhân dệt may Hải Phòng chia sẻ.

Trường Thịnh