Cận cảnh thú vị về nhà siêu nhỏ trên thế giới
Nhà siêu nhỏ đã được nhiều nước áp dụng từ lâu, song đi kèm với nó là cả một hệ thống các quy định, quy chuẩn gắt gao.
Quy chuẩn quốc tế về nhà ở (IRC) năm 2015 quy định về diện tích nhà ở tối thiểu là 11 m2/ phòng và diện tích tối thiểu cho phòng ở (trừ phòng bếp) là 6,5 m2.
Đến năm 2018, bộ IRC mới đã loại bỏ giới hạn diện tích nhà ở tối thiểu và dành một phụ lục với nhiều tiêu chuẩn. Theo đó, quy định nhà siêu nhỏ là những công trình xây dựng dùng để ở với diện tích dưới 37 m2 chiều cao tối thiểu 2,03 m.
Bộ quy chuẩn yêu cầu nhà siêu nhỏ phải tuân thủ các quy định chung về không gian cứu hộ và thoát hiểm khẩn cấp giống như tất cả các loại công trình khác.
Tại Anh, 37 m2 là diện tích không gian ở trung bình của người dân thành thị nước này. Ở Hoa Kỳ, mỗi địa phương có quy định khác nhau về nhà siêu nhỏ.
Ví dụ như ở thành phố Seattle, chính quyền cho phép xây dựng nhà ở có diện tích khoảng 14-20 m2/căn hộ. Tuy nhiên, các công trình loại này chỉ được phép xây dựng ở một số khu vực cụ thể và phải trải qua phê duyệt thiết kế rất gắt gao.
Còn ở thành phố New York, dự án Carmel Place được khởi động từ năm 2013 và hoàn thành năm 2016 là một ví dụ cho loại hình dự án nhà siêu nhỏ điển hình đã được cấp phép.
Carmel Place cao 9 tầng, gồm các căn hộ có diện tích khoảng 23-34 m2. Để đáp ứng tốt nhất cho sinh hoạt của cư dân tại đây, các kiến trúc sư, kỹ sư đã sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm tạo ra những công cụ, vật dụng gọn nhẹ, được bố trí khoa học và có thể xếp gọn lại để tăng không gian sinh hoạt.
Trong khi đó ở đảo quốc Singapore, số lượng căn hộ tối đa của từng dự án là tiêu chí để quản lý căn hộ siêu nhỏ.
Nhà nước cho phép xây dựng các căn hộ có kích thước khác nhau và khuyến khích chủ đầu tư chia thành nhiều phòng nhỏ, phục vụ nhu cầu của các nhóm khách hàng có số lượng thành viên trong gia đình khác nhau.
Ở ngoại ô, người ta quy định diện tích tối thiểu của từng căn hộ khá thoải mái là từ 85 đến 100 m2 tùy khu vực.
Đối với nội đô, các chủ đầu tư được phép xây dựng những dự án có căn hộ nhỏ, diện tích dưới 50 m2. Tuy nhiên, tỉ lệ số lượng căn hộ nhỏ trong toàn dự án không được vượt quá 20%.
Kèm theo đó, để đảm bảo các điều kiện sống, sinh hoạt tối thiểu, cơ quan chức năng quy định diện tích không gian sống trung bình không được thấp hơn 35 m2/người.
Một quốc gia khác của châu Á có lượng căn hộ siêu nhỏ khá nhiều là Nhật Bản. Vốn được xem là "ông trùm" trong nghệ thuật sắp xếp, thu gọn mọi thứ nên các căn hộ diện tích nhỏ dưới 30 m2 của người Nhật vẫn đem đến cho gia chủ một cuộc sống khá thoải mái.
Ngoài ra, do ý thức cộng đồng của người Nhật Bản rất cao nên dù sinh sống trong không gian nhỏ hẹp, môi trường và chất lượng sống của họ vẫn luôn đảm bảo. Các quy định về an sinh xã hội, an ninh trật tự trong khu vực quá chặt chẽ nên ở Nhật, dù các căn hộ nhỏ đến đâu cũng rất khó trở thành khu ổ chuột.
Nhà siêu nhỏ dường như là một đòi hỏi tất yếu của xã hội thời hiện đại. Vấn đề nằm ở chỗ là làm gì để quản lý chặt chẽ loại hình này. Nếu không rõ và không chặt thì mối lo ngại những khu ổ chuột trên cao như rất nhiều tòa nhà ở Hong Kong là hoàn toàn có thể xảy ra.