Các lễ hội lớn vào tháng Một tại xứ sở hoa anh đào

Minh Hương

(Dân trí) - Tháng Một tại Nhật Bản là thời điểm giữa mùa đông với thời tiết lạnh giá nhưng không khí được làm nóng bởi những lễ hội truyền thống, văn hóa sôi động.

Bài viết giới thiệu những lễ hội, sự kiện lớn nhất và phổ biến tại Nhật Bản vào tháng Một, bao gồm các sự kiện mừng năm mới - dịp lễ lớn nhất trong năm của người dân xứ Phù Tang.

Lễ mừng năm mới

Các lễ hội lớn vào tháng Một tại xứ sở hoa anh đào - 1

Năm mới là dịp nghỉ lễ quốc gia quan trọng nhất trong năm tại Nhật Bản. Ảnh: Livejapan

Được biết đến với tên gọi oshogatsu, năm mới là một trong những dịp nghỉ lễ lớn nhất và quan trong nhất trong năm của người Nhật.

Dù là quốc gia phát triển với những công nghệ hàng đầu, người Nhật vẫn đón năm mới với những phong tục, nghi thức truyền thống như ghé thăm các đền chùa vào đêm giao thừa để lắng nghe 108 tiếng chuông và cầu nguyện.

Nghi thức quan trọng nhất dịp năm mới là hatsumode, nghĩa là chuyến viếng thăm đền chùa đầu tiên trong năm để cầu sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.

Dezomi-shiki

Các lễ hội lớn vào tháng Một tại xứ sở hoa anh đào - 2

Màn biểu diễn ngoạn mục trong sự kiện Dezomi-shiki. Ảnh: Livejapan

Được coi như ngày hội dịp năm mới của những người lính cứu hỏa tại Tokyo, sự kiện Dezomi-shiki tái hiện công tác của những người lính cứu hỏa thời Edo.

Không gian sự kiện vô cùng náo nhiệt với lễ diễu hành của hơn 100 phương tiện xe cứu hỏa, trực thăng từ Sở Cứu hỏa Vùng thủ đô Tokyo, các màn diễn tập cứu hỏa quy mô lớn cùng rất nhiều màn trình diễn ngoạn mục khác.

Sumo Hatsu Basho

Các lễ hội lớn vào tháng Một tại xứ sở hoa anh đào - 3

Sumo Hatsu Basho là giải đấu sumo đầu tiên trong năm tại Nhật Bản. Ảnh: Livejapan

Giải đấu sumo đầu tiên trong năm khởi động tại Tokyo vào khoảng giữa tháng Một. Sumo là môn đấu vật cổ truyền, là niềm tự hào và thể hiện tinh thần của người Nhật.

Trưng bày ánh sáng mùa đông Shirakawa-go

Các lễ hội lớn vào tháng Một tại xứ sở hoa anh đào - 4

Khung cảnh trưng bày ánh sáng Shirakawa-go. Ảnh: Livejapan

Shirakawa-go thuộc tỉnh Gifu, được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO với những ngôi nhà nông trại gassho zukuri với kiến trúc mái độc đáo, tựa như hai bàn tay chắp lại cầu nguyện.

Vẻ đẹp của ngôi làng càng lung linh hơn vào mùa đông, khi những ngôi nhà truyền thống được thắp sáng trong lễ hội ánh sáng. Khung cảnh tuyết trắng phản chiếu ánh đèn khiến ngôi làng như bước ra từ truyện cổ tích.

Lễ thành nhân

Các lễ hội lớn vào tháng Một tại xứ sở hoa anh đào - 5

Các thiếu nữ Nhật Bản tham gia lễ thành nhân. Ảnh: Livejapan

Lễ Seijin no Hi được tổ chức vào ngày thứ Hai thứ hai của tháng Một, là nghi lễ quan trọng với các thanh niên Nhật Bản bước vào tuổi 20. Nghi lễ đánh dấu bước chuyển sang độ tuổi trưởng thành của các thanh niên Nhật Bản 20 tuổi.

Tuổi 20 được coi là thời điểm bước vào giai đoạn trưởng thành tại Nhật Bản. Khi tới độ tuổi này, các thanh niên Nhật Bản có thể bầu cử, uống đồ uống có cồn, hút thuốc. Vào ngày này, nữ giới trong trang phục kimono và nam giới mặc hakama sẽ đến các ngôi đền để làm lễ.

Lễ hội lửa Nozawa

Các lễ hội lớn vào tháng Một tại xứ sở hoa anh đào - 6

Khung cảnh hoành tráng tại lễ hội lửa Nozawa. Ảnh: Livejapan

Được tổ chức tại làng onsen lâu đời Nozawa, tỉnh Nagano, lễ hội cho thấy sức mạnh, sức nóng của các lễ hội lửa Nhật Bản. Những yếu tố không thể thiếu trong lễ hội lửa Nozawa là lửa, tuyết và rượu sake cũng như các lễ diễu hành, các nghi thức tại quảng trường.

Lễ hội náo nhiệt nhất vào thời điểm ngôi đền gỗ khổng lồ được dựng lên vào dịp này được đốt cháy để dâng lên thần linh, tạo lên khung cảnh hào hùng.

Lễ hội Wakakusa Yamayaki

Các lễ hội lớn vào tháng Một tại xứ sở hoa anh đào - 7

Đốt núi và thắp sáng pháo hoa tại lễ hội Wakakusa Yamayaki. Ảnh: Livejapan

Có lịch sử từ thế kỷ 18, lễ hội Wakakusa Yamayaki được biết đến như lễ hội đốt núi Wakakusa và là một trong những lễ hội ngoạn mục nhất Nhật Bản.

Diễn ra vào ngày thứ Bảy thứ tư trong tháng Một, núi Wakakusa được đốt cháy trong khi pháo hoa thắp sáng bầu trời. Ngọn đuốc mang ngọn lửa thiêng lấy từ đền Kasuga Taisha được các nhà sư mang tới một ngôi đền nhỏ dưới chân núi. Sau đó, ngọn núi phủ cỏ khô được đốt bởi ngọn lửa thiêng, tạo nên khung cảnh ngoạn mục và hùng vĩ.