Bộ Xây dựng: Phương pháp định giá đất khó xác định đâu là giá thị trường

Hà Phong

(Dân trí) - Theo Bộ Xây dựng, trên 50% dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường".

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến tình hình thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.

Theo Bộ này, trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở, đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế. Số lượng bất động sản, nhà ở trong các dự án mới đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế. Chủ yếu các sản phẩm bất động sản đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán.

Trong báo cáo, Bộ cũng nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai. Đơn cử, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc, triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án); nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; về đền bù và giải phóng mặt bằng; về giao đất, cho thuê đất dự án đối ứng BT…

Bộ Xây dựng: Phương pháp định giá đất khó xác định đâu là giá thị trường - 1

Nhiều dự án bất động sản ở huyện Mê Linh (Hà Nội) đang gặp vướng mắc, chậm triển khai nhiều năm (Ảnh: Hà Phong).

Những khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, quy định về nhà ở, đô thị và xây dựng cũng được Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Về khó khăn trong phát hành trái phiếu, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 08 ngày 05/3/2023 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và chỉ đạo các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn trong huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên việc huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu vẫn còn khó khăn.

Bên cạnh đó, theo Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, đặc biệt là các thông tin về tài chính, tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp (như các doanh nghiệp VinGroup, Novaland...) đã gây tâm lý hoang mang cho khách hàng, nhà đầu tư. Những thông tin trên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp và dự án đang kinh doanh không bán được hàng, không có dòng tiền, khó khăn trong thanh khoản.

Báo cáo về kết quả thực hiện của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến nay, Tổ công tác này đã nhận được 58 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp và người dân. Trong đó có 3 văn bản của 2 địa phương - Đồng Nai và Sóc Trăng, 50 văn bản của 37 doanh nghiệp, 5 văn bản của người dân liên quan đến 115 dự án bất động sản (Novaland có 6 dự án, Tập đoàn Hưng Thịnh có 44 dự án, HUD có 16 dự án).

Tổ công tác đã nghiên cứu, rà soát và xử lý theo thẩm quyền 50 kiến nghị, trong đó đã gửi 48 văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố và 2 văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết theo thẩm quyền.