Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà “xuống nước” giảm giá thuê

(Dân trí) - Để hạn chế thiệt hại do dịch Covid-19, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng các chủ nhà cho thuê mặt bằng nên chấp nhận hạ giá thuê để "tự cứu lấy chính mình".

Trong nhiều năm, phân khúc bất động sản thương mại được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều hộ kinh doanh.

Thế nhưng, hiện nay, do tác động của nhiều yếu tố đặc biệt là dịch Covid-19, phân khúc này đang suy yếu, giá trị thuê mặt bằng cũng bắt đầu hạ nhiệt.

3 tháng “tăm tối” của bất động sản thương mại

Theo nhận định của Savills Việt Nam, năm 2020 mới chỉ bước sang tháng 3, nhưng đây lại là thời điểm “tăm tối” của phân khúc bất động sản thương mại.

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà “xuống nước” giảm giá thuê - 1

Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở Hà Nội đồng loạt trả mặt bằng. Ảnh: Việt Vũ

Cụ thể, 2 tháng đầu tiên, phân khúc bất động sản thương mại phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định các mức xử phạt đối với người uống rượu bia mà vẫn lái xe.

Nối tiếp chuỗi ngày “tăm tối”, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đại dịch Covid-19 đã thực sự "tàn phá" ngành ẩm thực trong nước, khiến  nhiều nhà hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng cho chủ nhà.

Sự bùng phát dịch Covid-19 chính là “giọt nước tràn ly”, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành ẩm thực phải “bán xới”, trả mặt bằng khi hết hợp đồng. Một số ít doanh nghiệp phải cố gắng duy trì để giữ chỗ, đàm phán với chủ nhà giảm giá thuê.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng khiến thị trường bất động sản thương mại suy yếu. Theo Savills, dịch Covid-19 có thể đẩy nhanh sự chuyển dịch mua hàng offline (mua tại cửa hàng) sang mua hàng online.

“Hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ có tác động tiêu cực đến các cửa hàng truyền thống tại các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố. Yếu tố này sẽ có tác động dài hạn tới nhu cầu mua sắm của người dân”, nhận định của Savills cho biết.

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà “xuống nước” giảm giá thuê - 2

Xu hướng mua sắm thay đổi, khiến nhiều cửa hàng đóng cửa. Ảnh: Việt Vũ

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, bất động sản thương mại đã không còn giữ vị trí độc tôn so với 10 năm trước.

Thay vào đó, nhu cầu mua sắm trực tuyến đang bùng nổ và đang chứng tỏ ưu thế vượt trội, hiệu quả hơn rất nhiều so với việc thuê mặt bằng để mở cửa hàng.

“Công nghệ Internet đang rất phát triển, người dân chỉ cần ngồi nhà đi chợ online, mua sắm các vật dụng thiết yếu và thuê shipper giao hàng. Chình vì bán hàng online đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân, nên bất động sản thương mại, mặt bằng bán lẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực và mất dần giá trị”, ông Đính nói.

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà “xuống nước” giảm giá thuê - 3

Năm 2020 mới chỉ bước sang tháng 3, nhưng đây lại là thời điểm “tăm tối” của phân khúc bất động sản thương mại. Ảnh: Việt Vũ

Không muốn “chìm xuồng”, chủ nhà buộc phải tự cứu lấy mình

 Theo các nghiên cứu của Savill, CBRE, Batdongsan.com.vn,... trong tình cảnh khó khăn chung, nhiều chủ nhà hoặc chủ đầu tư bất động sản đã có sự "xuống nước" bằng cách hạ giá cho thuê mặt sàn kinh doanh hoặc mặt nhà phố.

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà “xuống nước” giảm giá thuê - 4
Hiện nay, trong bối cảnh khó khăn chung số ít chủ nhà đã giảm giá thuê. Ảnh: Việt Vũ

Thế nhưng, thực tế theo phản ánh số lượng mặt bằng chấp nhận hạ giá chỉ là thiểu số, còn rất nhiều chủ nhà vẫn cố chấp, nhất quyết không chịu giảm giá vì cho rằng "hợp đồng đã ký phải chấp nhận tuân thủ".

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam trong trường hợp chủ nhà vẫn còn tâm lý “nhất quyết không chịu thiệt” thì BĐS thương mại chỉ còn nước “chìm xuồng”. Bởi lẽ, do tác động tiêu cực từ Covid-19 không riêng bất động sản, mà tất cả nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn.

“Nếu anh không giảm, thì chẳng có ai thuê. Mà không có ai thuê, thì đương nhiên chủ nhà sẽ là người chịu lỗ vì vẫn phải đóng thuế đất. Vậy nên, trong giai đoạn khó khăn này, chủ nhà chấp nhận hạ giá thuê mặt bằng cũng chính là một cách tự cứu lấy mình”, ông Đính nói.

Trong khi đó, Savills Việt Nam nhận định, các chủ đầu tư thương mại/chủ nhà sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho các khách thuê.

Ví dụ, để thu hút khách thuê, chủ nhà cung cấp giá thuê giảm giá từ 10% đến 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn.

“Nguyên nhân khó tìm khách thuê trong thời điểm này chủ yếu là do chủ nhà yêu cầu thuê nguyên căn. Thêm vào đó là thời hạn hợp đồng thuê dài có thể lên đến 10 năm tại các khu vực ngoài trung tâm thành phố cũng là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ”, nhận định từ Savills.

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà “xuống nước” giảm giá thuê - 5

Theo các chuyên gia việc hạ giá thuê mặt bằng cũng chính là cách để các chủ nhà "tự cứu lấy chính mình" trong bối cảnh khó khăn chung. Ảnh: Việt Vũ

Bên cạnh đó, Savills khuyến cáo, đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà nên nhà chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng thuê trong ngành kinh doanh ẩm thực hoặc giảm 30% đến 50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích.

Nhận định về sự hồi phục của bất động sản thương mại, Savills Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 vào mùa hè (khoảng tháng 6, tháng 7), thì nửa cuối năm 2020 sẽ nhận được tín hiệu tốt của thị trường.

Việt Vũ