Bất động sản thấm đòn: Loạt dự án "chết lâm sàng" vì bị… siết tín dụng

(Dân trí) - Từ đầu năm 2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vốn đã khốn lại càng khó hơn. Do đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn vốn mới để tự “giải nguy” cho mình.

Nhiều dự án “đứng hình”

Theo tìm hiểu, từ cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 36 về hạn chế tín dụng vào bất động sản. Từ đó đến nay NHNN cũng đã nhiều lần điều chỉnh lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản. Điều này đã làm cho một số doanh nghiệp bất động sản phải “đuối sức”, nhiều dự án rơi vào tình cảnh “chết lâm sàng”.

Bất động sản thấm đòn: Loạt dự án chết lâm sàng vì bị… siết tín dụng - 1
Nhiều dự án bất động sản “đứng hình” do bị siết tín dụng

Đầu năm 2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%. Hệ số rủi ro với hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản cũng nâng từ 150% lên 200%. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Theo tìm hiểu, vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư về trễ hẹn bàn giao nhà do... khát vốn. Điển hình như tại dự án Park Vista trên đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè; dự án CT Plaza Nguyên Hồng (số 18 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp) do Công ty Cổ phần Nguyên Hồng làm chủ đầu tư; dự án CT Home Bình Thạnh (số 471 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) do Công ty Cổ phần Xây dựng và Trang trí Nội thất Cát Tường làm chủ đầu tư...

Theo các khách hàng, họ đã nhiều lần khiếu nại chủ đầu tư nhưng chỉ nhận những lời hứa. Chủ đầu tư mong khách hàng thông cảm vì công ty gặp khó khăn, trong khi thị trường bất động sản bị siết dòng tiền, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch.

Bất động sản thấm đòn: Loạt dự án chết lâm sàng vì bị… siết tín dụng - 2
Chủ đầu tư dự án Park Vista mong khách hàng thông cảm vì công ty gặp khó khăn, trong khi thị trường bất động sản bị siết dòng tiền, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch

Cần chủ động tìm nguồn vốn mới

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản TPHCM đang vào giai đoạn vô cùng khó khăn do giao dịch ảm đạm, thủ tục pháp lý ách tắc, ngân hàng siết nguồn tín dụng. Hàng loạt dự án bất động sản rơi vào bế tắc, có dấu hiệu “chết lâm sàng”.

Ông Châu khuyến nghị doanh nghiệp bất động sản cần phải đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế do ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Đồng thời, các doanh nghiệp luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, xây dựng căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản cũng cần coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà, được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).

Đồng quan điểm với ông Châu, Tiến sĩ Bùi Quang Tín (Đại học Ngân Hàng TPHCM) cũng cho rằng, chính vì việc tiếp cận vốn ngân hàng khó hơn trước dù không phải là khó cho tất cả đối tượng mà chỉ khó cho một vài phân khúc, một vài chủ đầu tư nhưng sẽ tạo cơ hội cho nhiều chủ đầu tư, kể cả người dân cũng được mở ra hướng tiếp cận vốn mới giống như thị trường tài chính trên thế giới.

Bất động sản thấm đòn: Loạt dự án chết lâm sàng vì bị… siết tín dụng - 3
Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, cách thức mà các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang phát hành trái phiếu cũng là một cách để họ tiếp cận nguồn vốn mới

Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, cách thức mà các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang phát hành trái phiếu cũng là một cách để họ tiếp cận nguồn vốn mới. Và điều đó hoàn toàn phù hợp với thị trường hiện nay. Bởi vì, hơn 70% dòng vốn của hệ thống ngân hàng là dòng vốn ngắn hạn, nên nếu như dòng vốn đó cứ “chảy” vào thị trường bất động sản, kể cả các doanh nghiệp theo hình thức vốn ngắn hạn và cho vay trung hạn thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới rủi ro về kỳ hạn, rủi ro lãi suất.

Do đó hiện nay các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong cách tiếp cận dòng vốn mới. Đó là chưa kể ngoài trái phiếu doanh nghiệp ra thì họ còn có thể phát hành các cổ phiếu, cũng như có thể huy động vốn thông qua FDI, thông qua các hình thức sáp nhập và mua lại (M&A)…

“Thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay là một thời điểm thuận lợi để thị trường tài chính phát triển. Và đây cũng chính là một kênh huy động vốn rất tốt không chỉ là bây giờ mà còn trong thời gian tới, chính là điểm nổi bật, điểm tựa mới cho các doanh nghiệp bất động sản để sau đó họ có nguồn vốn trung, dài hạn chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng”, Tiến sĩ Bùi Quang Tín nói.

Quế Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm