Bất động sản nông nghiệp: Cơ hội cho thị trường còn đang bỏ ngỏ

Theo nhiều chuyên gia nhận định, đầu tư vào nông nghiệp không chỉ là xu thế mà hiện tại các cơ chế chính sách cũng đang mở cửa cho lĩnh vực này. Bất động sản nông nghiệp là một cơ hội với thị trường còn đang bỏ ngỏ, không những đối với doanh nghiệp trong nước mà đối với cả doanh nghiệp nước ngoài.

Một xu thế chung của nhiều nước

Nhận định xu hướng rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp theo mô hình chuyên nghiệp hóa của các doanh nghiệp mà điển hình là những ông lớn bất động sản, ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng cho rằng, đây là một xu thế chung của nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Đơn giản vì thực phẩm sạch là vấn đề cần quyết tâm thực hiện tại mỗi quốc gia mà Việt Nam không nằm ngoài đó.

Bất động sản nông nghiệp: Cơ hội cho thị trường còn đang bỏ ngỏ - 1

Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng

Nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay đã nhắm vào thị trường nông nghiệp. Từ năm 2017 – 2019, không ít các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, trong năm 2018, rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, từ doanh nghiệp bất động sản nội đến doanh nghiệp ngoại đều nhắm tới đầu tư vào trang trại, xây dựng các chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Hiệu quả sử dụng đất ngày càng được nâng cao khi chúng ta đưa công nghệ vào, tạo ra năng suất vượt trội, tạo ra khoảng cách xa với lao động thuần.

“Đầu tư vào nông nghiệp không chỉ là xu thế mà hiện tại các cơ chế chính sách cũng đang mở cửa cho lĩnh vực này. Tôi cho rằng, đây là một cơ hội với thị trường còn đang bỏ ngỏ, không những đối với doanh nghiệp trong nước mà đối với cả doanh nghiệp nước ngoài”, ông Điệp nói.

Bất động sản nông nghiệp: Cơ hội cho thị trường còn đang bỏ ngỏ - 2

Thu hoạch nguyên liệu ngô tại trang trại của Tập đoàn TH Truemilk ở Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Trên góc độ thị trường, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, cho rằng hiện nay, nhiều chủ đầu tư không đơn thuần chỉ làm bất động sản. Họ chuyển đổi sang nhiều mô hình hoạt động mà một trong số đó là làm nông nghiệp. Ngay cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cũng chuyển đổi sang nông nghiệp. Mô hình kinh doanh của những công ty tại mỗi thời điểm đều được định hướng xây dựng riêng.

Họ nhìn thấy hướng phát triển mới, mang lại giá trị cao nên thực hiện mô hình chuyển đổi. Hầu hết các công ty lớn đều muốn đa dạng ngành nghề kinh doanh. Tôi cho rằng, việc chuyển sang thị trường nông nghiệp là một lợi thế lớn, với những bước phát triển rất thuận lợi.

Hiện tại, Việt Nam có tới gần 100 triệu dân, nhu cầu lương thực, thực phẩm luôn cao. Đây là một thị trường tiềm năng. Việc phát triển kinh doanh sang nông nghiệp là hướng đi tốt. Chưa kể, chúng ta còn có cơ hội xuất khẩu rau quả… Nhưng để bước tới điều này, chúng ta phải cần có sự đầu tư bài bản và giám sát chặt chẽ về chất lượng. Hơn hết, việc sản xuất chỉ dựa vào nông dân để tạo ra dòng sản phẩm cho xuất khẩu lại cực kỳ khó nên nếu doanh nghiệp có vốn cao đầu tư sẽ dễ dàng hơn.

Lĩnh vực nhiều tiềm năng

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, bất động sản nông nghiệp là lĩnh vực mới nhưng lại rất tiềm năng. Tôi cho rằng năm 2019, thị trường này đặc biệt sẽ phát triển mạnh. Hiện tại chỉ có các tập đoàn lớn, họ có đủ điều kiện để phát triển lĩnh vực này.

"Với tiềm lực tài chính tốt, doanh nghiệp tiến hành rót vốn, đầu tư công nghệ cao, tạo ra chuỗi giá trị liên kết. Khi những doanh nghiệp lớn thành công, họ sẽ tạo ra một nền tảng tốt cho thị trường bất động sản nông nghiệp. Tôi đánh giá đây là một lĩnh vực đầy tiền năng không chỉ cho những doanh nghiệp trong nước thậm chí cho cả doanh nghiệp nước ngoài mà họ đang nhắm đến”, ông Điệp nói. 

Cũng lạc quan như ông Điệp, TS. Nguyễn Hữu Thọ - Phó trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, phải khẳng định một điều, đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn là rất có hiệu quả. Cách làm theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún theo hộ gia đình như hiện nay thường đem lại rủi ro. Các doanh nghiệp đã nhìn thấy những tiềm năng đó nếu đầu tư quy mô lớn và bài bản. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đang trên đà hội nhập kinh tế quốc tế là thời cơ để chúng ta phát huy lợi thế về nông nghiệp.

Bất động sản nông nghiệp: Cơ hội cho thị trường còn đang bỏ ngỏ - 3

TS. Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, cần phải khẳng định một điều, đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn là rất có hiệu quả. 

Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh quy mô lớn ở các lĩnh vực khác đang chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 1% doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng có tới 8% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tức là 7% trong số đó là doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhưng đang đầu tư vào nông nghiệp.

Cũng theo TS. Nguyễn Hữu Thọ, thị trường bất động sản nông nghiệp đã được hình thành và đang phát triển. Nó thể hiện ở chỗ, nhiều doanh nghiệp đã và đang tham gia vào việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. 

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại, các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, thị trường này đã hoạt động tương đối nhộn nhịp. Tỷ lệ đất nông nghiệp được các hộ thuê theo quy mô lớn, chiếm từ 1.1 - 3.9% trên tổng diện tích đất. Như vậy, thị trường này đã được hình thành nhiều năm trở lại đây, tất nhiên nó vẫn diễn ra rất chậm so với mong muốn.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hữu Thọ, hiện tại đang có nhiều rào cản khiến thị trường này còn mang màu “u ám”, hoạt động chưa nhộn nhịp. Do đó, mặc dù đã hình thành nhưng nhiều người còn rất mơ hồ về loại hình gọi là bất động sản nông nghiệp.

Trước đây, đất đai được giao cho các hộ gia đình theo quy mô rất nhỏ và manh mún nên rất khó khăn trong việc gom đất. Đến hiện tại, một doanh nghiệp để có thể tích tụ được diện tích đất nông nghiệp lớn thì phải đàm phán với hàng trăm hộ gia đình.

Trở ngại lớn nhất là sẽ có nhiều hộ gia đình không muốn bán cũng không muốn cho thuê. Do những mâu thuẫn về lợi ích với doanh nghiệp và chính quyền địa phương hình thành. Thậm chí, có nhiều hộ gia đình để ruộng bỏ hoang, nhưng vì một lý do nào đó, cũng không muốn cho doanh nghiệp thuê.

Để thị trường bất động sản nông nghiệp phát triển, những chủ thể dẫn dắt nền nông nghiệp sau này phải là các doanh nghiệp và các hộ đại điền. Chỉ có làm nông nghiệp quy mô lớn, đầu tư công nghệ thì mới tạo ra được giá trị.

Theo Trần Kháng

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm