Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?

(Dân trí) - Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?" sẽ diễn ra trên Dân trí vào lúc 20h ngày 26/8.

Cuối năm 2020 đến quý I năm nay, thị trường vẫn ghi nhận những đợt "sốt" đất tại khu vực vùng ven hoặc tỉnh lẻ. Bước sang đầu tháng 5, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 với quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với 3 lần trước đó đã khiến thị trường dần rơi vào trầm lắng. 

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, trong quý II vừa qua, cả nước ghi nhận khoảng 29.949 giao dịch, không tăng so với cùng kỳ như các giai đoạn trước. Đáng chú ý, lượng giao dịch thành công tại 2 thành phố lớn đã sụt giảm nghiêm trọng, với mức giảm khoảng 80% so với quý trước ở Hà Nội và 13% tại TPHCM. Giá giao dịch bình quân trên toàn thị trường có xu hướng chững lại.

Đối với căn hộ chung cư, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM tăng 5-7% so với quý I. Tuy nhiên, giá cho thuê chung cư lại chịu áp lực giảm, với mức giảm bình quân toàn thị trường 3-5%.

Nhà ở riêng lẻ ghi nhận lượng giao dịch tốt trong quý II vừa qua, với mức tăng khoảng 20% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, giá bán không tăng nhiều, đạt khoảng 3% so với quý trước.

Trong phân khúc đất nền, Bộ Xây dựng đánh giá hiện tượng giá đất nền "tăng nóng" cục bộ đã được kiểm soát và lượng giao dịch quay đầu giảm. Thị trường văn phòng cho thuê và mặt bằng thương mại tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cầu, gây áp lực lên giá thuê. 

Nguồn cung mới của bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế. Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và khu du lịch nghỉ dưỡng trong quý II năm nay giảm khoảng 20-25% so với quý trước. Công suất cho thuê sụt giảm mạnh khi dịch bệnh tái bùng phát và nhiều khách sạn chuyển sang làm điểm cách ly có thu phí, như một giải pháp tình thế tạo nguồn thu.

Bất động sản công nghiệp là phân khúc duy trì được ổn định về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trong quý vừa qua. Giá thuê trung bình gần như không tăng so với thời điểm cuối năm 2020, trừ một số dự án có vị trí thuận lợi tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai hay Long An có mức tăng 5-10%.

Theo các chuyên gia, không ít nhà đầu tư bất động sản chỉ lên phương án dự phòng cho trường hợp dịch kéo dài 2-3 tháng đang gặp khó khăn về dòng tiền. Thị trường đang tồn tại 2 nhóm nhà đầu tư có nhu cầu đối lập: Một nhóm đang "kẹt" tiền cần rao bán bớt tài sản và một nhóm sẵn tiền chờ cơ hội mua được bất động sản đẹp với giá tốt.

Câu hỏi lớn nhất cho 2 nhóm nhà đầu tư này hiện nay là đâu là thời điểm thích hợp để ra quyết định? Phân khúc nào sẽ có đà hồi phục nhanh nhất khi dịch bệnh dần được kiểm soát? Xu hướng giá thị trường trong giai đoạn từ nay đến cuối năm ra sao? 

Tất cả thắc mắc này sẽ được giải đáp trong Tọa đàm bất động sản với chủ đề: "Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?" Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày thứ năm, 26/8 tới trên báo Dân Trí, với sự tham gia của 2 chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực bất động sản:

- Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Thế Hiển

- Chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Phú Vinh Group

Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu? - 1

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?" sẽ được tổ chức lúc 20h ngày 26/8/2021. 

Gần 30 năm tham gia giảng dạy về kinh tế - tài chính, ông Đinh Thế Hiển hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng. Ông từng tham gia quản lý nhiều tổ chức tài chính và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam như Thành viên Hội đồng Đầu tư và Ủy ban Chiến lực Eximbank, Trưởng phòng Thẩm định Quỹ Đầu tư TPHCM, Trưởng đào tạo Trung Tâm Tư vấn Kinh tế Ứng dụng TPHCM - Viện Kinh tế TPHCM…

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa ngành Công nghệ Thông tin, ông Phan Công Chánh lại sớm chuyển sang lĩnh vực đầu tư bất động sản. Ông từng trải qua nhiều vị trí khác nhau trong ngành trước khi đặt nền tảng thành lập Phú Vinh Group. Với vai trò là chuyên gia bất động sản cá nhân, ông từng tổ chức và tham gia nhiều khóa đào tạo về đầu tư bất động sản cũng như thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và nhận định thị trường trên các phương tiện truyền thông, báo chí.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm