Bất động sản gặp khó, ngành tài chính hưởng lợi?!

(Dân trí) - Theo thống kê, lĩnh vực bất động sản có liên quan tới 95 ngành nghề trong phạm vi của nền kinh tế và sử dụng 10.000 sản phẩm của nền kinh tế. Cho nên, khi thị trường bất động sản khó khăn do bị “siết” tín dụng thì ngành tài chính lại có cơ hội “chuyển mình” nhờ vào việc huy động vốn bằng nhiều hình thức mới của các doanh nghiệp bất động sản.

Bất động sản tiếp tục bị “siết” tín dụng? 

Tại buổi tọa đàm “Đón sóng cổ phiếu bất động sản, xây dựng cuối năm 2019” vừa được tổ chức tại TPHCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản tại thành phố gặp nhiều khó khăn.

Bất động sản gặp khó, ngành tài chính hưởng lợi?! - 1
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2019

Cụ thể, số lượng dự án bất động sản giảm sút rõ rệt, giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, quý II/2019 không có dự án mới nào được “khai sinh”. Kéo theo đó là số lượng căn hộ bình dân trên thị trường sụt giảm tới 34%, căn hộ cao cấp cũng giảm khoảng 41%. Trong khi đó, nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản chỉ khoảng 225 triệu USD, chỉ bằng với vốn đầu tư của 1-2 dự án lớn.

Điều đáng nói là bất động sản lại có sức lan tỏa cực kỳ lớn tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Theo thống kê, lĩnh vực bất động sản có liên quan tới 95 ngành nghề trong phạm vi của nền kinh tế và sử dụng 10.000 sản phẩm của nền kinh tế.        

Thế nhưng, từ cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 36 về hạn chế tín dụng vào bất động sản. Từ đó đến nay NHNN nhiều lần điều chỉnh, lộ rõ hai lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản. Điều này làm cho một số doanh nghiệp bất động sản phải “đuối sức” và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không có nhiều dự án mới ra đời trong vài tháng trở lại đây.

Chưa hết, ông Châu còn cho hay, năm nay, NHNN đã đưa ra dự thảo về thông tư mới, mà dự thảo lần này không phải là sửa đổi thông tư 36 mà thay thế hẳn thông tư 36. Việc thay thế thông tư này sẽ khiến cho lĩnh vực bất động sản tiếp tục bị “siết” tín dụng.

“Khẳng định lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản nếu theo dự thảo thông tư mới thì tới khoảng tháng 6/2021, các ngân hàng thương mại đang được sử dụng nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn và cho vay trung hạn, dài hạn từ trần 40% sẽ giảm xuống đến thời điểm 1/7/2021 sẽ còn 30%”, ông Châu nói.

Bất động sản gặp khó, ngành tài chính hưởng lợi?! - 2
Ngoài trái phiếu doanh nghiệp ra thì họ còn có thể phát hành các cổ phiếu, cũng như có thể huy động vốn thông qua FDI, thông qua các hình thức sáp nhập và mua lại (M&A)…

Dù vậy, theo ông Châu, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã rất linh hoạt trong việc huy động vốn để đảm bảo hoạt động. Hơn nữa, đối với việc hạn chế tín dụng vào bất động sản thì đây không chỉ là khó khăn mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này biết cách tận dụng và khai thác các nguồn vốn khác có hiệu quả hơn.

Ngành tài chính có cơ hội “chuyển mình”

Liên quan tới vấn đề về dòng vốn bất động sản, Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho rằng, trong khi thị trường bất động sản đang gặp khó thì ngành tài chính ở Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội tốt như hiện nay để chúng ta tạo ra được nhiều kênh để dẫn lối vào nền kinh tế.

Bất động sản gặp khó, ngành tài chính hưởng lợi?! - 3
Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng, ngành tài chính ở Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội tốt như hiện nay

Chính vì việc tiếp cận vốn ngân hàng khó hơn trước dù không phải là khó cho tất cả đối tượng mà chỉ khó cho một vài phân khúc, một vài chủ đầu tư nhưng sẽ tạo cơ hội cho nhiều chủ đầu tư, kể cả người dân cũng được mở ra hướng tiếp cận vốn mới giống như thị trường tài chính trên thế giới. Bởi lẽ hệ thống tổ chức tín dụng không phải chỉ có hệ thống ngân hàng mà còn có thị trường chứng khoán, công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư.

Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, cách thức mà các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang phát hành trái phiếu cũng là một cách để họ tiếp cận nguồn vốn mới. Điều đó hoàn toàn phù hợp với thị trường hiện nay. Bởi vì, hơn 70% dòng vốn của hệ thống ngân hàng là dòng vốn ngắn hạn, nên nếu như dòng vốn đó cứ “chảy” vào thị trường bất động sản, kể cả các doanh nghiệp theo hình thức vốn ngắn hạn và cho vay trung hạn thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới rủi ro về kỳ hạn, rủi ro lãi suất.

Bất động sản gặp khó, ngành tài chính hưởng lợi?! - 4
Tọa đàm truyền thông “Đón sóng cổ phiếu bất động sản, xây dựng cuối năm 2019” vừa được BizLive tổ chức tại TPHCM.

Do đó hiện nay các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong cách tiếp cận dòng vốn mới. Đó là chưa kể ngoài trái phiếu doanh nghiệp ra thì họ còn có thể phát hành các cổ phiếu, cũng như có thể huy động vốn thông qua FDI, thông qua các hình thức sáp nhập và mua lại (M&A)…

“Tôi thấy thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay là một thời điểm thuận lợi để thị trường tài chính phát triển. Đây cũng chính là một kênh huy động vốn rất tốt không chỉ là bây giờ mà còn trong thời gian tới, chính là điểm nổi bật, điểm tựa mới cho các doanh nghiệp bất động sản để sau đó họ có nguồn vốn trung, dài hạn chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn của hệ thống ngân hàng”, Tiến sĩ Bùi Quang Tín nói.

Công Quang