Bất động sản 6 tháng đầu năm 2019: "Tụt dốc" và bùng nổ tranh chấp
(Dân trí) - Việc chậm phê duyệt các dự án cũng như hạn chế tín dụng bất động sản… là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung bất động sản, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm theo.
Các dự án “hết hàng”?
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên của trường Đại học Ngân hàng TPHCM thì thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2019 có chiều hướng chững lại, nhất là nguồn cung của thị trường bất động sản nhà ở tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM.
Cụ thể, trong quý I/2019, tổng nguồn cung nhà ở tại Hà Nội giảm 25% và lượng giao dịch giảm 28% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, tại TPHCM, nguồn cung nhà ở còn giảm mạnh hơn, chỉ có hơn 3.000 sản phẩm, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đó, báo cáo cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến việc thị trường bất động sản “tụt dốc” trong thời gian qua. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do một số dự án lớn tại 2 thành phố nói trên đã bung ra thị trường số lượng hàng “khủng” tại thời điểm quý IV/2018, dẫn đến 6 tháng đầu năm 2019 nguồn cung bất động sản trở nên… khan hiếm.
Mặt khác, việc chậm phê duyệt các dự án, cũng như hạn chế tín dụng bất động sản… là một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung bất động sản, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm theo.
Ở một diễn biến khác, báo cáo cũng cho thấy, trên cả nước có tổng cộng 4.422 chung cư. Nhưng điều đáng nói là trong tổng số chung cư này lại có tới 458 chung cư có tranh chấp, chiếm khoảng 10% tính đến tháng 6/2019. Trong khi đó, các tranh chấp này xảy ra cũng do các nguyên nhân xoay quanh vấn đề vận hành, quản lý nhà chung cư.
“Các tranh chấp chủ yếu liên quan đến việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị, không đồng nhất đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư. Đồng thời, một số chủ đầu tư không minh bạch trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, trì hoãn việc bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị, chất lượng công trình, phí dịch vụ”, báo cáo nêu rõ.
Cần tăng cường tính minh bạch
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạn chế xảy ra tranh chấp tại các chung cư thì trước hết chủ đầu tư cần phải tăng cường minh bạch trong việc quản lý, sử dụng các khoản phí trong việc đảm bảo vận hành nhà chung cư.
Không chỉ vậy, các chung cư cũng cần nghiêm túc thực hiện việc tổ chức hội nghị nhà chung cư và sớm thành lập được Ban quản trị làm việc có hiệu quả, có trách nhiệm.
Cũng liên quan tới vấn đề minh bạch trong kinh doanh bất động sản, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân được tổ chức cách đây không lâu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, hiện nay, môi trường kinh doanh có chuyển biến theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa thật sự minh bạch, lành mạnh, công bằng, bình đẳng.
Theo đó, nhằm mục đích hướng đến sự phát triển của thị trường bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị nhiều giải pháp hết sức thiết thực.
Trong đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về dùng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư BT. Việc này nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay và mở đường huy động các nguồn lực tư nhân tham gia phát triển hệ thống hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư. Đồng thời, thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.
Đáng chú ý, về thủ tục hành chính, HoREA đề nghị các bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, đơn giản hoá, công khai hoá, minh bạch các thủ tục, quy trình hành chính. Song song với đó, HoREA cũng đề nghị cán bộ, công chức hiểu luật và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, không máy móc, lệ thuộc từ ngữ.
Mặt khác, liên quan đến vấn đề trách nhiệm thi hành công vụ, đạo đức công vụ, ông Châu nói rằng cần nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, đạo đức công vụ.
Trước hết, kiến nghị công bố công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh cơ chế Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử nhằm hạn chế không để cán bộ, công chức tiếp cận với người dân, doanh nghiệp trong quá trình thụ lý hồ sơ.
Quế Sơn