Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi?

Hà Phong

(Dân trí) - Mặc dù thị trường bất động sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, song phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn

Những chính sách thông thoáng từ phía Chính phủ đối với ngành du lịch trong thời gian vừa qua đã tạo điều kiện cho du lịch trong nước phát triển, hướng tới phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch như trước thời điểm Covid-19.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế - gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách.

Bên cạnh đó, thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả tổng cung và tổng cầu. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch gắn với phát triển bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như pháp lý, thủ tục hành chính và khơi thông nguồn vốn...

Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi? - 1

Hàng loạt công trình bất động sản nghỉ dưỡng ở TP Đà Nẵng (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Theo thông tin về thị trường bất động sản từ Bộ Xây dựng, trong quý IV/2023, giá bán và lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm và hạn chế về giao dịch. Số lượng biệt thự nghỉ dưỡng được mở bán tại khu vực phía Nam (TPHCM và các vùng phụ cận) giảm mạnh và số lượng căn hộ du lịch mở bán trong năm 2023 trên cả nước giảm so với năm 2022.

Giá bán sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong quý cũng có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ, một số dự án mới có giá chào bán.

Còn theo báo cáo thị trường bất động sản mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), quý IV/2023 thị trường đã có thêm sự nhộn nhịp bởi việc chạy thông tin của một số dự án, chương trình kick-off, mở bán quy mô lớn vốn đã vắng bóng trong các quý trước đó.

Song phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng lại là phân khúc ghi nhận sự ảnh hưởng nặng nề nhất, đến thời điểm hiện tại vẫn rơi vào những "cú trượt dài".

Mặc dù, nhen nhóm cơ hội "tái sinh" nhờ Nghị định 10/2023 của Chính phủ nhưng với phân khúc này, số liệu chỉ ra trong quý IV/2023 có khoảng 913 sản phẩm mới được đưa ra thị trường, tương đương với nguồn cung quý III/2023 và chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung chủ yếu hiện nay là các sản phẩm căn hộ biển, rải rác cả các khu vực Bắc, Trung, Nam như tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng... Nguồn cung không đạt như kỳ vọng, trong đó, nguyên nhân chính là một số dự án quy mô lớn phải tạm ngừng mở bán vì vướng mắc pháp lý.

Tương lai ra sao?

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ ngành du lịch thì mới mong lấy lại niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Một số chuyên gia nêu, hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn còn gặp nhiều thách thức, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi lực cầu ở một số địa phương. Dù thế, nhiều giải pháp nhằm giữ chân, thu hút khách du lịch được áp dụng đi kèm với tín hiệu tích cực về nguồn cầu những tháng cuối năm và các chính sách thị thực mới được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng cho bất động sản nghỉ dưỡng năm nay. 

Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi? - 2

Khách sạn "mọc" dày đặc ven biển ở TP Đà Nẵng (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS, nhận định năm nay hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Đó là chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm thuế 2% với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức.

Theo bà, các yếu tố đó sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, "bơm" nguồn cung vào thị trường, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện với khoảng 20% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, theo bà Miền, loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.

Đặc biệt, Nghị định số 10/2023 ngày 3/4/2023 tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng... thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, nhận định, tình trạng dư cung bất động sản nghỉ dưỡng bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với thực tế thị trường. Một số chủ đầu tư vội vàng tham gia khi chưa có sự nghiên cứu thấu đáo, dẫn đến tình trạng chênh lệch cung - cầu tại nhiều khu vực. Bên cạnh đó, một số dự án nghỉ dưỡng còn xuất hiện tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng.

Theo ông, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh ảm đạm, nhiều dự án cũ đang bị chậm tiến độ, thi công cầm chừng, gây ảnh hưởng tới niềm tin thị trường. Dù lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng số người sẵn sàng vay tiền để đầu tư không nhiều, tư tưởng "phòng thủ" vẫn chiếm đa số.

Do đó, vị chuyên gia này dự báo, đến quý II năm nay, lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng khó có sự đột biến. Sau mốc thời gian này, thị trường sẽ cải thiện hơn nhờ những động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý của Nhà nước thông qua sửa đổi một số luật.