Ainu - Tộc người thiểu số bí ẩn của xứ Phù Tang
(Dân trí) - Văn hóa của người Ainu mang một sắc thái khác biệt với phần còn lại của Nhật Bản với ngôn ngữ không liên quan đến tiếng Nhật.
Người Ainu, hay còn được gọi là Ezo trong các tài liệu lịch sử, là một tộc người thiểu số có nguồn gốc từ khu vực phía bắc của quần đảo Nhật Bản, đặc biệt là vùng Hokkaido, quần đảo Kuril và phần lớn Sakhalin.
Số lượng chính xác của những người gốc Ainu còn sót lại ở Nhật Bản vẫn còn gây tranh cãi, theo ước tính của chính phủ Nhật Bản hiện có khoảng 25.000 người, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng con số thực lên đến 200.000.
Văn hóa Ainu bắt đầu vào khoảng năm 1.200 của Công Nguyên, những nghiên cứu gần đây cho rằng nó bắt nguồn từ sự nổi lên giữa nền văn hóa Okhotsk và Satsumon. Ainu là một xã hội sống bằng nghề săn bắn, người dân sống dựa phần lớn bằng nghề đánh bắt cá và trồng trọt. Văn hóa Ainu cũng mang một sắc thái khác biệt với phần còn lại của Nhật Bản với ngôn ngữ không liên quan đến tiếng Nhật.
Ngôn ngữ Ainu có một số khía cạnh về trật tự từ tương tự như tiếng Nhật, nhưng có rất nhiều sự khác biệt về ngữ pháp. Trước đây, Ainu là một ngôn ngữ thuần túy bằng lời nói, hiện nay nó được phiên âm bằng cách sử dụng bảng chữ cái Latinh hoặc katakana, một hệ thống chữ viết của Nhật Bản kết hợp một số ký tự chuyên dụng.
Dưới sự phát triển hiện đại hóa của Nhật Bản, từ thời Minh Trị (1868-1912) ngôn ngữ Ainu đã dần bị mai một, ít được sử dụng. Nó được UNESCO liệt vào danh sách ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2009.
Người Ainu có màu da sáng, cơ thể có nhiều lông, đôi mắt tròn và sâu, tóc hơi xoăn kiểu gợn sóng. Không giống như người Nhật hiện tại, đàn ông Ainu có râu dày, dáng người cao to. Do đó mà cũng có nhiều giả thuyết cho rằng, người Ainu có nguồn gốc từ phương Tây.
Những người phụ nữ Ainu thời xưa có hình xăm trên môi, trông như nụ cười của những chú hề. Mục đích của hình xăm này mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có tài liệu cho rằng hình xăm này sẽ giúp những người phụ nữ chưa có gia đình trở nên thu hút hơn đồng thời đây cũng là một biểu hiện của đức hạnh.
Bên cạnh đó, một số tài liệu khác lại cho rằng, hình xăm này mang ý nghĩa là "nụ cười trên môi" với hàm ý ở những nơi lạnh lẽo như Hokkaido, việc nở một nụ cười là rất khó khăn nên hình xăm sẽ giúp người phụ nữ trông như luôn nở nụ cười.
Thần linh trong quan niệm của người Ainu tượng trưng cho những thế lực đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống thường ngày, được gọi là kamuy. Người Ainu tin rằng kamuy tồn tại ở khắp mọi nơi và luôn dõi theo con người. Hệ thực vật, động vật, lửa, nước, gió, núi và sông đều là những kamuy hiện diện một cách rõ ràng trong thế giới con người với những món quà thiết thực như thức ăn và lông thú.
Người Ainu cổ đại làm quần áo từ nhiều chất liệu khác nhau. Ngoài những thứ có thể tìm thấy như lông thú, da cá, lông chim và cỏ cây. Về sau, những hàng hóa như lụa và bông thu được từ hoạt động buôn bán cũng được sử dụng phổ biến.
Trang phục truyền thống của người Ainu là loại áo choàng gọi là Attsushi (hay Attush), có chất liệu chủ yếu được dệt từ sợi cây và trang trí với nhiều họa tiết hình học. Những họa tiết hình học này không chỉ dùng để phân biệt giới tính, tình trạng hôn nhân, bộ tộc... mà còn giúp người mặc xua đuổi tà ma. Attsushi có dáng áo tương tự với bộ kimono của Nhật Bản, với những hoa văn truyền thống của người Ainu được thêu trên những đường viền xanh thẫm.
Người Ainu mặc một loại quần bó bên trong chiếc áo choàng này. Các công đoạn tạo ra bộ y phục Attushi, từ xe chỉ, dệt cho đến thêu được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công bởi bàn tay tài hoa của người phụ nữ Ainu. Một chiếc áo tốt có thể mất đến một năm để thực hiện.
Người Ainu sống chủ yếu bằng nghề săn bắn. Theo đó, bữa ăn của người dân cũng tùy thuộc theo chu kỳ phát triển của tự nhiên như cá hồi, nai, hải cẩu và các loại thực vật theo mùa. Trong nhà, đàn ông Ainu có nhiệm vụ săn bắn, trong khi phụ nữ làm quần áo, chiếu và chuẩn bị bữa ăn.
Theo truyền thống, người Ainu săn bắt các loài động vật như gấu và hươu trên núi, hải cẩu, cá kiếm và tảo bẹ được thu thập dưới biển. Ngoài việc hái các loại cây dại từ tự nhiên, họ cũng khai hoang để trồng thêm ngũ cốc và rau trên các cánh đồng. Ngoài ra cá hồi xuất hiện ở sông vào mỗi mùa thu cũng là một nguồn thức ăn quan trọng.
Theo dòng phát triển của xã hội, cuộc sống của người Ainu đã có nhiều thay đổi trong những năm qua. Người Ainu không còn khép kín trong xã hội riêng nữa mà hòa nhập vào nhịp sống hiện đại và làm nhiều công việc khác nhau mà trước đây họ chưa từng làm. Số lượng người gốc Ainu còn sót lại cũng sống tản mác khắp các vùng và được xem là "dân tộc thiểu số" của Nhật Bản.