9X kể chuyện kiếm trăm triệu đồng nhờ làm môi giới nhà đất ở Nhật Bản
(Dân trí) - Quá trình mua bán, cho thuê bất động sản ở Nhật không dễ, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp "hái ra tiền" từ nghề được cho là nhiều áp lực này.
Khốn khổ vì "thượng đế"
Từng chật vật hơn nửa tháng trời mới thuê được nhà sau khi rời khỏi ký túc xá, Lê Hải (SN 1993, hiện đang sống tại Osaka, Nhật Bản) luôn muốn tìm một công việc liên quan đến lĩnh vực bất động sản để có thể hỗ trợ những du học sinh Việt tìm chỗ ở thuận lợi tại xứ sở hoa anh đào.
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Hải mạnh dạn ứng tuyển vào một công ty bất động sản tại Osaka. Trải qua nhiều vòng phỏng vấn, Hải trúng tuyển và chính thức bước chân vào nghề.
Mất 3 tháng đầu làm quen, Hải mới dần thích nghi với công việc bởi làm môi giới bất động sản ở Nhật có quy trình, cách thức hoàn hoàn toàn khác với Việt Nam. Thay vì chỉ cần ký hợp đồng rồi cọc tiền là có thể ở, quá trình thuê bất động sản ở Nhật phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp trước khi "chốt" nhà.
"Người Nhật cầu toàn và kỹ lưỡng tới từng chi tiết. Việc mua bán hay cho thuê nhà cũng vậy. Không chỉ người nước ngoài mà ngay cả người Nhật khi thuê cũng phải trải qua một quá trình xét duyệt nghiêm túc.
Điều này nhằm đảm bảo người thuê có khả năng trả tiền nhà hàng tháng và những chi phí phát sinh khi ký hoặc kết thúc hợp đồng", Hải nói.
Ở Nhật, khi tìm được căn nhà ưng ý, khách hàng phải nộp đơn đăng ký thuê nhà rồi chờ xét duyệt. Một nhà có thể nhận nhiều đơn đăng ký, chủ nhà sẽ xem xét hồ sơ kỹ lưỡng và lựa chọn người thuê nào mà họ muốn.
Suốt quá trình từ lúc xem nhà đến khi "chốt", người thuê không làm việc trực tiếp với chủ nhà. Một công ty quản lý sẽ đại diện cho chủ nhà đàm phán, hoàn thiện các thủ tục với khách thuê. Vị khách này cũng cần có công ty bảo lãnh.
Tùy theo công ty đại diện mà khách được yêu cầu công ty bảo lãnh phù hợp hoặc cho phép thông qua các công ty bảo lãnh mà phía chủ nhà hợp tác. Phí bảo lãnh khoảng 50 - 100% tiền nhà.
Những người làm môi giới như Hải sẽ hỗ trợ khách hoàn thiện hồ sơ trong suốt quá trình trước và sau khi thuê sao cho phù hợp với các quy định trên, đảm bảo "trúng" nhà nhanh nhất.
9X cũng tâm niệm "khách hàng là thượng đế" để công việc suôn sẻ hơn. Nhưng không ít lần anh dở khóc dở cười với "thượng đế".
Trong 3 năm gắn bó với công việc, Hải từng rơi vào cảnh "khốn khổ" khi khách bí mật dọn đi, không báo hủy hợp đồng với công ty quản lý nhà. Có khách thì nợ tiền nhà mấy tháng không chịu đóng, bỏ trốn rồi để lại căn nhà với đầy rác và đồ đạc hư hỏng dơ bẩn.
"Chưa kể có bạn cho bạn bè ở cùng quá số người quy định ban đầu hoặc nhượng nhà cho người khác mà không có sự cho phép của công ty quản lý. Sau những sự cố trên, các công ty đưa ra quy định thuê nhà cho người nước ngoài chặt chẽ hơn. Một số nơi còn từ chối khi nghe khách thuê là người Việt Nam", Hải nhớ lại.
"Hái ra tiền" nhờ "chiêu" đơn giản
Cũng giống như Hải, Nguyễn Văn Tùng (SN 1996, đến từ Hải Phòng) hiện đang làm việc tại một công ty bất động sản lớn tại Tokyo, Nhật Bản. Tuy còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nhưng Tùng học hỏi rất nhanh.
9X được công ty cấp cho một tài khoản (phải đóng phí hàng tháng) để truy cập vào trang website lớn chuyên cập nhật bất động sản tại Nhật. Mỗi ngày, anh "lướt" web liên tục để chọn những sản phẩm phù hợp rồi đăng tải nhiều nơi để tìm kiếm khách hàng.
Có những trường hợp các môi giới đến từ nhiều công ty bất động sản khác nhau cùng chọn một sản phẩm. Khi có khách ưng sản phẩm đó, Tùng nhanh chóng liên hệ tới công ty quản lý bất động sản trên để xác thực tình hình.
Nếu đã có người "chốt", 9X và khách phải tìm chỗ khác. Ngược lại, nếu chưa có ai đăng ký thì anh hỗ trợ khách hoàn thiện hồ sơ sớm nhất để gửi công ty quản lý.
Để việc thuê nhà hiệu quả nhất, không chỉ chuẩn bị hồ sơ một cách kỹ lưỡng mà Tùng còn hướng dẫn khách trả lời điện thoại từ công ty quản lý. Sau 1-3 ngày nhận hồ sơ, công ty quản lý nhà sẽ trực tiếp gọi điện cho người thuê để kiểm tra những thông tin trong hồ sơ có chính xác hay không. Việc trả lời khéo léo, đáp ứng đầy đủ nội dung cũng là yếu tố để khách thuê tạo thiện cảm với công ty, tăng cơ hội "trúng" nhà.
"Quá trình nộp hồ sơ đăng ký thuê nhà ở Nhật căng thẳng lắm. Không phải cứ gửi sớm là thành công. Chủ nhà là người quyết định cuối cùng xem cho ai thuê. Nếu được ký hợp đồng thì tốt mà không được thì coi như mình và khách đều mất công", Tùng nói.
Với mỗi hợp đồng "chốt" thành công, 9X sẽ nhận được khoản hoa hồng từ 20 - 50% tùy theo giá trị bất động sản.
Với chàng trai 25 tuổi, yếu tố quan trọng nhất để lấy được thiện cảm từ khách hàng là cách cư xử văn minh, linh hoạt, khéo léo. Khách cũ tìm đến, Tùng nhiệt tình hỗ trợ. Khách mới từ chối, anh không tỏ thái độ lạnh nhạt mà vẫn niềm nở hết lòng. Bởi vậy mà 9X luôn "được lòng" cả khách lạ và khách quen.
Trung bình mỗi tháng, Tùng gặp và tư vấn hơn chục khách hàng nhưng chỉ thực hiện thành công 3-4 giao dịch bất động sản. Có tháng ảm đạm, khách nào cũng từ chối, anh về nhà suy nghĩ, tìm hiểu nguyên nhân rồi nghĩ cách khắc phục, cải thiện.
Ngoài mức lương cứng 15man (khoảng 30 triệu đồng) được công ty hỗ trợ mùa dịch, tính tổng các khoản thu nhập, có tháng anh kiếm được gần 200 triệu đồng nhờ làm việc chăm chỉ.
Không ít lần gặp khó khăn nhưng Tùng luôn cố gắng giữ niềm đam mê với nghề, không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân.
Bởi vậy mà sau 4 năm gắn bó với công việc môi giới bất động sản ở Nhật, ngoài những kinh nghiệm quý báu, Tùng còn tích lũy được khoản tiết kiệm kha khá cho những dự định trong tương lai.