85% căn hộ giá rẻ ở vùng ven TPHCM bán sạch trong vòng “1 nốt nhạc”
(Dân trí) - Khi nguồn cung bất động sản sơ cấp bị hạn chế do những “vướng mắc” về thủ tục thì những căn hộ giá rẻ (hạng C) vừa “ra hàng” là đã có người mua.
Savills Việt Nam đã có báo cáo về thị trường bất động sản trong quý 1/2019. Theo đó, trong quý đầu tiên của năm, nguồn cung sơ cấp tại TPHCM chỉ đạt hơn 12.000 căn hộ, giảm 34% theo quý và giảm 57% theo năm.
Tại thời điểm này, chủ đầu tư còn khá ít căn hộ trong “rổ hàng”, thủ tục pháp lý bị trì hoãn khiến chủ đầu tư thay đổi kế hoạch mở bán dẫn đến nguồn cung mới hạn chế. Thị trường bất động sản đã “chứng kiến” mức mở bán mới thấp nhất, chỉ với hơn 4.500 căn hộ, giảm 38% theo quý và giảm 27% theo năm.
Căn hộ hạng C (giá rẻ) chiếm đa số nguồn cung mới với 85% thị phần, số căn hộ này được bán ra chủ yếu tại địa bàn quận 8 và quận 9.
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận kinh doanh nhà ở cho biết, tổng lượng giao dịch chỉ đạt 6.400 căn hộ, giảm 42 % theo quý và giảm 52% theo năm. Sở dĩ lượng giao dịch trong quý 1 thấp là do “vướng” kỳ nghỉ lễ, Tết trong tháng 1 và tháng 2.
“Người mua bất động sản vẫn rất ưa chuộng căn hộ từ 1 – 2 phòng ngủ do phù hợp với nhu cầu để ở cũng như đầu tư. Lượng giao dịch các căn hộ này vẫn chủ yếu đến từ các quận như quận 8, quận Tân Phú, quận Tân Bình”, ông Nguyễn Khánh Duy nói.
Cũng theo ông Duy, chính vì nguồn cung sơ cấp hạn hẹp nên giá căn hộ tại thị trường thứ cấp đang "nóng lên". Trong thời gian tới, quá trình thẩm định pháp lý dự kiến sẽ bình thường trở lại trong năm 2019. Người dân cũng cần cẩn trọng đối với những dự án mở bán không có giấy tờ pháp lý đầy đủ, bởi điều này có thể mang tới nhiều rủi ro cho khách hàng.
Liên quan đến việc thủ tục pháp lý bị trì hoãn khiến nhiều chủ đầu tư thay đổi kế hoạch mở bán thì mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã kiến nghị lãnh đạo TPHCM có cuộc gặp với các Sở, ngành, lãnh đạo UBND quận, huyện và hơn 200 doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Châu, trong 3 tháng đầu năm 2019, hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời.
Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung - cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản, làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Ngoài ra, việc nhiều dự án bất động sản bị “ách tắc” cũng sẽ làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản. Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại.
Chính vì vậy, HoREA rất mong muốn có một cuộc tiếp xúc giữa các bên để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng nhằm giúp doanh nghiệp bất động sản phát triển, ngân sách Nhà nước tăng nguồn thu và người dân được mua nhà với nguồn cung dồi dào, giá cả hợp lý.
Đại Việt