6 việc người Nhật nào cũng làm trong dịp năm mới

Bích Ngọc

(Dân trí) - Một năm mới nữa lại đến, và nếu như bạn đang ở Nhật Bản, bạn sẽ cảm nhận được không khí vô cùng náo nức của hai sự kiện lớn nhất trong năm - Lễ Giáng sinh và năm mới.

Dưới đây là một số sự kiện mừng năm mới truyền thống và độc đáo nhất ở Nhật Bản. Nếu đang du lịch tại Nhật Bản vào dịp này, bạn sẽ được trải nghiệm ít nhất một nửa những truyền thống dưới đây theo cách này hay cách khác.

Nengajo - Tấm thiệp năm mới

6 việc người Nhật nào cũng làm trong dịp năm mới - 1

Tấm thiệp năm mới của Nhật Bản. Ảnh: savvytokyo.com

Ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 12, người Nhật đã tặng cho nhau những tấm bưu thiếp chúc mừng năm mới, từ trước cả khi người ta trang trí cây thông Noel. Nengajo là một loại bưu thiếp đặc biệt chỉ dùng riêng cho mục đích chúc mừng năm mới. Do đó, tại Nhật, kể cả bạn gửi chúng đi tại bưu điện địa phương trước ngày 25 tháng 12 hay thậm chí có thể vài ngày sau thì chúng cũng sẽ được chuyển đến tay người nhận vào ngày 1 tháng 1 hoặc chậm nhất là vào ngày 3 tháng 1.

Nengajo ở Nhật cũng được ví như thiệp Giáng sinh ở phương Tây. Người dân Nhật Bản xem trọng những tấm thiệp như một cách kết nối tuyệt vời với bạn bè, người thân, đồng nghiệp và người quen ít nhất một lần một năm.

Trên các tấm thiệp, người ta cũng thường có đánh số ở phía dưới, được gọi là nengajo tosen để với mục đích quay số trúng thưởng. Các con số trúng thưởng này sẽ được công bố trên trang web Bưu điện Nhật Bản vào giữa tháng 1. Nếu ở Nhật, bạn hãy thử chú ý theo dõi để xem thử vận may năm mới của mình nhé!

Hagoita Decorations - Chiếc vợt may mắn

6 việc người Nhật nào cũng làm trong dịp năm mới - 2

Vợt mái chèo Hagoita của Nhật Bản. Ảnh: savvytokyo.com

Hagoita là một chiếc vợt hình mái chèo được làm bằng gỗ có hình chữ nhật và được trang trí rất tỉ mỉ. Ngày xưa, Hagoita được sử dụng để chơi hanetsuki, một loại cầu lông truyền thống của Nhật Bản. Ngày nay, chúng được sử dụng làm đồ trang trí truyền thống của năm mới, bởi người Nhật tin rằng chúng có thể xua đuổi được tà ma; cũng giống như cách bạn đánh quả cầu lông, bạn cũng sẽ đánh bay được ác quỷ hay những điều không may mắn.

Những chiếc vợt hình mái chèo này được người Nhật tạo hình tỉ mẩn, công phu và được trang trí cầu kỳ bằng các mô hình 3D làm từ lụa, gỗ và giấy washi Nhật Bản. Hình các nhân vật thường đại diện cho các gương mặt từ các vở kịch truyền thống, geisha, diễn viên kabuki hay đô vật sumo. Bạn có thể đến ngắm và sắm cho riêng mình một bộ tại chùa Senso-ji ở Asakusa, Tokyo, từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 12.

Oosoji - Dọn nhà mùa xuân

6 việc người Nhật nào cũng làm trong dịp năm mới - 3

Dọn nhà cuối năm (ảnh minh họa). Ảnh: savvytokyo.com

Cũng như ở Việt Nam, người Nhật Bản cũng có thói quen năm mới đến đồng nghĩa với việc cần phải "dọn dẹp sạch sẽ để đón chào mùa xuân mới". Vào những ngày cuối cùng của năm, cả nhà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa (đặc biệt là cửa sổ) để có thể bắt đầu một cái Tết thật tươi mới và sạch sẽ, chào đón những điều may mắn sẽ đến.

Oshogatsu-kazari - Đồ trang trí năm mới

6 việc người Nhật nào cũng làm trong dịp năm mới - 4

Oshogatsu-kazari - đồ trang trí năm mới của Nhật Bản. Ảnh: savvytokyo.com

Sau khi việc dọn dẹp nhà cửa đã hoàn thành, các gia đình Nhật Bản bắt đầu bắt tay vào trang trí ngôi nhà bằng oshogatsu-kazari, chính là việc trang hoàng nhà cửa trong dịp Năm mới. Các đồ trang trí thường bao gồm kadomatsu (ba khúc tre và một số lá thông), kagamimochi (hai tầng bánh mochi hoặc bánh gạo với một quả quýt bên trên) và shimekazari (vòng hoa năm mới).

Ngoài ra, thời điểm để tiến hành việc trang trí nhà cửa trong văn hóa ở đất nước Phù Tang cũng rất quan trọng. Người ta tin rằng nếu bạn không có sự chuẩn bị kỹ và đủ sớm cho việc trang trí ngôi nhà của mình vào ngày cuối năm, mà chỉ làm rất vội vàng vào lúc trước giao thừa thì hành động của bạn được gọi là ichiya-kazari (一夜 飾 飾) có nghĩa đen là "trang trí một đêm", nghĩa là trang trí một cách rất chóng vánh, sẽ khiến các vị thần tức giận và mang đến những điều xui xẻo.

Toshikoshi Soba - Món mì Soba - Mì Năm mới

6 việc người Nhật nào cũng làm trong dịp năm mới - 5

Món mì năm mới Toshikoshi Soba của Nhật Bản. Ảnh: savvytokyo.com

Sau khi tất cả các công việc dọn dẹp và trang trí đã hoàn tất và thời khắc giao thừa đã đến, các gia đình chuẩn bị một bữa ăn truyền thống được gọi là toshikoshi soba.

Sợi mì soba dài tượng trưng cho mong ước về một sức khỏe bền lâu. Phần trên cùng của soba có sự khác biệt giữa các vùng miền tại Nhật Bản. Chẳng hạn, ở Tokyo người ta thường sử dụng ebi (tôm). Phần lưng cong của con tôm tượng trưng cho "cuộc sống trường thọ" và cũng thường được sử dụng trong món osechi ryori. Soba cũng có ý nghĩa "để nó trôi qua" (nagasu) bởi khi bạn thưởng thức món mì, sợi mì sẽ trượt dần xuống cổ họng. Đây là cách người Nhật giải thích rằng những điều đã qua hãy quên nó đi và tiếp tục bước tiếp chặng đường mới trong năm tới.

Joya no kane - Lễ khai chuông giao thừa

6 việc người Nhật nào cũng làm trong dịp năm mới - 6

Lễ khai chuông giao thừa trước sự chứng kiến của hàng ngàn người. Ảnh: savvytokyo.com

Joya no kane trong văn hóa Nhật bản có nghĩa là khai chuông giao thừa vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ qua năm mới để báo hiệu thời khắc năm mới đã tới. Ở Nhật Bản, chỉ có vị sư trụ trì chùa hoặc người ở vị trí cao nhất trong đền mới được phép rung chuông trước sự chứng kiến của hàng ngàn khách viếng thăm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm