20 năm nữa giá nhà ở tại Việt Nam liệu có vượt Hồng Kông?
(Dân trí) - Theo dự báo của giới chuyên gia, với tốc độ tăng bình quân 5 - 10%/năm, có thể trong 10 - 20 năm tới, giá nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM sẽ "vượt mặt" Singapore hay Hồng Kông.
Theo nghiên cứu của chuyên trang thống kê Statista, Hồng Kông là thị trường có giá nhà ở cao nhất thế giới, với giá trị một căn hộ lên tới 1,235 triệu USD (khoảng 28,5 tỷ đồng/căn hộ). Năm thứ 11 liên tiếp, Hồng Kông giữ danh hiệu này.
Vị trí thứ hai thuộc về thành phố Munich (Đức), với giá trị nhà ở bình quân đạt 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng/căn hộ).
Trong danh sách của Statista, tại khu vực châu Á, 4 thị trường có giá nhà ở đắt nhất thế giới. Ngoài Hồng Kông giữ vị trí đầu bảng, danh sách còn có Singapore ở vị trí thứ 3 với 915.000 USD/căn hộ (khoảng 21 tỷ đồng/căn hộ).
Thượng Hải và Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ vị trí thứ 4 và thứ 6, với giá nhà ở bình quân lần lượt là 905.830 USD (khoảng 20,8 tỷ đồng/căn hộ) và 763.500 USD (khoảng 17,5 tỷ đồng/căn hộ).
Các vị trí sau còn có Vancouver (Canada) với giá nhà bình quân là 754.620 USD (17,3 tỷ đồng/căn hộ). Los Angeles (Mỹ) với 717.580 USD (khoảng 16,5 tỷ đồng). Paris (Pháp) với 650.550 USD (khoảng 15 tỷ đồng/căn hộ);...
Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, giá nhà đất tại Hà Nội hiện nay trung bình khoảng 2.000 USD/m2, tương đương 46 triệu đồng/m2, còn TP.HCM là 2.500 USD/m2, khoảng 57,5 triệu đồng/m2. Như vậy, so với thị trường có giá nhà ở đắt nhất thế giới là Hồng Kông, giá nhà tại các đô thị lớn của Việt Nam chỉ bằng 1/10.
Tuy nhiên, theo dự báo của giới chuyên gia, với tốc độ tăng bình quân 5 - 10%/năm, có thể trong 10 - 20 năm tới, giá nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM sẽ "vượt mặt" Singapore hay Hồng Kông.
Trao đổi với PV Dân Trí, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, cho biết giá nhà ở tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TP.HCM tăng bình quân 5% - 10% là cao. Với tốc độ này, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia có giá nhà ở cao nhất thế giới, trong tầm nhìn từ 10 - 20 năm tới.
Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng mức tăng của nhà đất vượt xa so với thu nhập bình quân của người Việt, khiến nhiều người phải "vỡ mộng" khi có dự tính mua nhà.
Giá nhà ở tại các thành phố lớn tăng cao vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, về đặc điểm địa lý và dân cư xã hội, Việt Nam thuộc vào nhóm quốc gia "đất chật người đông".
"Khi quỹ đất các đô thị có giới hạn, trong khi dân số ngày càng tăng, nhu cầu về nhà ở cũng vì vậy là tăng theo. Do đó, giá đất, giá nhà tăng là điều đã được dự báo từ trước", ông Điệp cho biết.
Theo Phó chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội, ngoài yếu tố về quỹ đất, hiện nay, bất động sản gần như vẫn là kênh đầu tư có lực hút mạnh nhất trong tất cả các kênh đầu tư truyền thống. Người người, nhà nhà đổ xô đi đầu tư bất động sản. Điều này cũng khiến giá đất "nhảy số" liên tục theo thời gian. Ngay cả các vùng nông thôn, giá đất làng, đất xóm cũng tăng chóng mặt.
"Đất tăng do truyền thống "đời cha mua đất đời con xây nhà", chưa ở cũng mua đất tích trữ. Nhờ yếu tố này, giá đất tăng đều liên tục. Tuy nhiên, sẽ có một thời điểm nào đó, giá đất, giá nhà sẽ lụi tàn", ông Điệp cảnh báo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) lại có ý kiến ngược lại.
Ông Thanh cho rằng hiện nay, các tuyến phố có giá đất đắt đỏ nhất Hà Nội như Hàng Ngang - Hàng Đào, có giá khoảng 50.000 USD/m2 (khoảng 1,15 tỷ đồng/m2), như vậy Việt Nam đã thuộc vào nhóm các quốc gia có giá đất cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, mức giá này chỉ mang tính cục bộ, nhỏ lẻ và có phần hơi "ảo", nên khó có thể sánh được giá nhà ở Singapore hay Hồng Kông.
Ngay cả khi 10 năm, hay 20 năm, thậm chí là 30 năm tới, giá nhà ở Việt Nam cũng khó lọt vào danh sách 10 quốc gia có giá bất động sản cao nhất thế giới.
Giải thích rõ hơn về điều này, ông Thanh nói giá đất tăng hay giảm, còn phụ thuộc vào kinh tế, và thu nhập bình quân của người dân. Hai yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau.
"Việt Nam khó vào top 10 quốc gia có giá đất ở cao nhất trong 10 năm tới, vì tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chỉ ở nhóm trung bình", ông Thanh cho biết.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch VARs đánh giá, giá nhà tại các đô thị lớn trong nước, trên thực tế không tăng đều hàng năm, có năm giảm, có năm tăng mạnh.
"Trong 2 năm gần đây, giá nhà tăng mạnh là do thị trường khan hiếm nguồn cung. Nếu trong vài năm tới, nguồn cung ổn định sẽ là một yếu tố kéo giá nhà xuống thấp, từ đó, giải quyết được vấn đề giá nhà ở tăng cao", ông Thanh chia sẻ.