Vụ tranh đoạt tài sản chuẩn bị tiêu huỷ dưới góc nhìn của luật sư

(Dân trí) - Sự việc nhiều người tranh nhau lấy tang vật trong buổi tiêu hủy được Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức không những khiến dư luận bất bình mà còn vi phạm nhiều quy định của pháp luật. Luật sư Trương Anh Tú đã đưa ra những phân tích cụ thể.

Theo Luật sư, hành vi lấy tang vật vi phạm hành chính để sử dụng như trên đã vi phạm những điều Luật nào?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo qui định hiện hành qui định tại Luật cán bộ công chức 2008, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 115/2013/NĐ - CP ngày 3/10/2013 về quản lý bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có qui định :

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

“1.Chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu và các hành vi trục lợi khác”.

Như vậy, hành vi lấy tang vật, vi phạm hành chính của một số người tranh thủ lấy tang vật vi phạm hành chính để sử dụng nói trên là vi phạm khoản 1 Điều 4 Nghị định 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013.Ngoài ra, các cá nhân nói trên ( đang là cán bộ công chức của Bộ khoa học công nghệ) còn vi phạm Điều 8 Luật cán bộ công chức về “Nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh qui định của pháp luật” về trình tự thủ tục tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính theo Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung quản lý, xử lý tang vật vi phạm hành chính.


Cảnh giành giật tranh đoạt tang vật trước giờ tiêu huỷ khiến dư luận bất bình.

Cảnh giành giật tranh đoạt tang vật trước giờ tiêu huỷ khiến dư luận bất bình.

Theo quy định của pháp luật, người lấy tang vật vi phạm hành chính như trên có bị xử phạt không? Mức độ xử phạt như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Trương Anh Tú: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định: “chiếm đoạt tang vật” là hành vi bị cấm (điều 4) và “trường hợp để xảy ra mất, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố hoặc có hành vi định đoạt khác đối với phương tiện thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật” (điều 14) nhưng không quy định chế tài xử lý cụ thể. Đây là một khe hở, gây khó khăn trong việc xử lý người có hành vi này.

Tuy nhiên, Luật Cán bộ Công chức năm 2008 quy định Cán bộ công chức có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật (điều 8), có thể bị xử lý bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm.

Điều 9. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ

1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.

Như vậy, việc một số cán bộ công chức có mặt trong buổi tiêu hủy có hành vi chiếm giữ tang vật bị tiêu hủy tại Bộ khoa học công nghệ sẽ có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ công chức 2008 cho dù giá trị của tài sản chưa được định giá cụ thể.

Đối với đơn vị có chức năng tiêu hủy sản phẩm vi phạm, giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ, có quy định, chế tài nào để đảm bảo việc tiêu hủy được diễn ra một cách chính xác không thưa luật sư?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo qui định hiện hành tại Nghị định 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 về quản lý bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính có qui định:

Điều 9. Trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu

“1. Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

2. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.”


Luật sư Trương Anh Tú.

Luật sư Trương Anh Tú.

Về việc xử phạt có thể áp dụng theo Nghị định 99/2013/NĐ - CP qui định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Điều 9. Vi phạm quy định về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra)

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tháo gỡ, phá bỏ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đang bị niêm phong hoặc tạm giữ.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thay đổi số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đang bị niêm phong hoặc tạm giữ.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đang bị niêm phong hoặc tạm giữ.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tẩu tán hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.”

Trong trường hợp đơn vị có chức năng tiêu hủy không hoàn thành nhiệm vụ, chế tài xử phạt sẽ như thế nào?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo qui định của pháp luật tại Luật cán bộ công chức 2008, Nghị định 115/2013; Nghị định 99/2013/NĐ - CP qui định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Thông tư 11/2015/TT – BKHCN của của bộ khoa học công nghệ, tịch thu lại tất cả những sản phẩm bị tiêu hủy đã bị chiếm đoạt.

Bên cạnh đó, người có thẩm quyền mà lơi lỏng quản lý để tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra trong quá trình thực thi pháp luật cũng có thể bị xử lý theo Luật Cán bộ công chức 2008.

Theo đó, sẽ qui trách nhiệm đối với người đứng đầu của cơ quan, tổ chức tại Điều 10 Nghị định 157/2007/NĐ-CP quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ “Khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, người đứng đầu không có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hành vi vi phạm đó và không kịp thời áp dụng biện pháp khắc phục có hiệu quả“ tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm sau đây: Trách nhiệm kỷ luật; Trách nhiệm dân sự; Trách nhiệm vật chất; Trách nhiệm hình sự; Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Thế (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm