Vụ nam sinh lớp 2 tặng nhẫn vàng của mẹ cho bạn gái dưới góc nhìn pháp lý

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, người mẹ hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản mà con trai mình đã mang đi cho bạn. Nếu không nhận được sự hợp tác, người này có quyền yêu cầu sự can thiệp của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Gần đây, mạng xã hội xôn xao trước câu chuyện người phụ nữ bỗng "mất" 5 chỉ vàng vì... cậu con trai lớp 2. Theo đó, cậu con trai đã mang chiếc nhẫn trị giá tương đương 5 chỉ vàng 99,99 của mẹ đem tặng bạn gái cùng lớp. Phát hiện sự việc, mẹ nam sinh đã nhắn tin cho mẹ của bạn gái trong đêm, yêu cầu trả lại nhưng vị phụ huynh trả lời do con gái đã ngủ nên hẹn sáng hôm sau sẽ giải quyết.

Sốt ruột vì không được giải quyết, mẹ nam sinh nhắn tin lại thì mẹ nữ sinh đáp ngắn gọn "phiền thực sự" và chặn tin nhắn. Ngày hôm sau, mẹ bạn nam tới trường để làm việc thì bạn nữ kia nghỉ học.

Cho rằng vị phụ huynh kia cố tình không trả lại vàng cho mình, người phụ nữ đăng tải câu chuyện và gây ra làn sóng tranh luận trên các diễn đàn.

Vụ nam sinh lớp 2 tặng nhẫn vàng của mẹ cho bạn gái dưới góc nhìn pháp lý - 1
Vụ nam sinh lớp 2 tặng nhẫn vàng của mẹ cho bạn gái dưới góc nhìn pháp lý - 2

Đoạn hội thoại của hai phụ huynh liên quan tới 5 chỉ vàng bị mất (Ảnh: Vén khéo).

Bài học về cách ứng xử và cách quản lý tài sản

Bình luận dưới bài viết của Dân trí, nhiều độc giả tỏ ra không hài lòng với cách ứng xử của cả 2 bên phụ huynh. Trong khi mẹ bạn nữ tỏ ra thờ ơ, vô cảm thì mẹ bạn nam lại thể hiện sự nóng vội, thiếu kiểm soát dẫn tới những tranh cãi, hiểu lầm không đáng có.

Chủ tài khoản Dung Ung bình luận: "5 chỉ vàng 99,99 đúng là có giá trị tương đối lớn thật. Nhưng cái lớn hơn mà các thành viên, đặc biệt người quản lý tài chính trong gia đình, cần lưu ý đó là phải cẩn thận với mọi loại tài sản có giá trị. Một đứa bé học lớp 2 đâu có biết giá trị thật của cái nhẫn đó để mà ứng xử cho phù hợp".

Cùng quan điểm, anh Mai văn Chương viết: "Chuyện gì không giải quyết được đều đưa lên mạng, gây rối rắm và dẫn tới hậu quả giải quyết không được như mong muốn. Phụ huynh có vàng không cất kỹ, giờ gây ra hiểu nhầm cho nhau, thậm chí kể cả người thân".

"Một bài học cho người lớn. Tiền của phải cất kỹ càng, chứ không sau này thằng bé mang cả sổ đỏ đi tặng bạn gái mất", độc giả Doxuantuan bình luận hóm hỉnh.

Có chung đánh giá khi cho rằng cách ứng xử của mẹ bạn nam là không hợp lý, song anh Bùi Minh Tuấn cũng nhận định hành động chặn tin nhắn của mẹ bạn nữ là không phù hợp. Độc giả này viết: "Cả 2 đều có lỗi, tôi thấy mẹ bạn nữ chưa đặt mình vào cảm xúc của mẹ bạn nam. Chặn tin nhắn là không nên chút nào bởi dễ gây hiểu lầm. Nếu không muốn trả lời tin nhắn, cứ để chế độ im lặng, rồi sáng mai dậy nói chuyện tiếp thì có sao?".

Tương tự, anh Tuan Trong viết: "Cháu trai dại, nhưng mẹ cháu gái cũng tham lam".

"Nên có một cái nhìn khách quan, trung lập. Về phía mẹ bạn trai, rõ ràng khi biết sự việc, người này hẳn đã rất tức giận, dẫn tới hành động vội vã, mất kiểm soát. Tại thời điểm đã khuya, nhạy cảm như vậy, nếu làm phiền người khác bằng điện thoại, nên mở đầu bằng những câu từ như "xin lỗi", "làm phiền", "thông cảm"... như vậy sẽ tạo cảm giác dễ chịu và cởi mở hơn cho người tiếp nhận. Ngoài ra, việc đến trực tiếp lớp để tìm gặp bạn nữ cũng là chưa cần thiết, phụ huynh có thể thông báo với giáo viên chủ nhiệm để giải quyết mọi chuyện êm đẹp, tránh gây ra những tác động xấu với con nhỏ.

Về phía mẹ bạn gái, cần hiểu rằng để dỗ trẻ con ngủ là điều không đơn giản. Hơn nữa, trẻ nhỏ nếu bị dở giấc sẽ rất dễ dẫn tới quấy nhiễu, phiền hà cho người lớn. Do đó, việc người này không muốn đánh thức con là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, hành động chặn tin nhắn là rất không nên làm, thể hiện thái độ thiếu thiện chí và dễ gây hiểu nhầm. Thay vào đó, nếu cảm thấy bị làm phiền, người này hoàn toàn có thể chuyển điện thoại sang chế độ máy bay hoặc im lặng và trả lời lại vào sáng hôm sau", độc giả Hoàng Linh phân tích.

Sự việc dưới góc nhìn pháp lý

Theo luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), dưới góc nhìn pháp lý, có thể thấy việc tặng cho tài sản được coi là một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Chủ thể xác lập giao dịch có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp; Chủ thể giao dịch hoàn toàn tự nguyện và Mục đích, nội dung giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Theo giải thích tại Bộ luật Dân sự 2015, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên và là người có năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.

Về quyền sở hữu, định đoạt đối với tài sản, Điều 165 Bộ luật này đã quy định về các căn cứ để một người được coi là chủ sở hữu, là người chiếm hữu có căn cứ pháp luật đối với tài sản còn tại Điều 166 Bộ luật này, trong trường hợp tài sản bị chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người đó.

Đối với trường hợp này, có thể thấy việc nam sinh lớp 2 tặng nhẫn cho bạn gái là một giao dịch không được pháp luật công nhận bởi 2 lý do như sau: Thứ nhất, chủ thể thực hiện giao dịch là những người không có năng lực hành vi dân sự và Thứ hai, tài sản trong giao dịch là tài sản của mẹ nam sinh, việc chiếm hữu, định đoạt phải thuận theo ý chí của người phụ nữ này.

Do đó, người phụ nữ hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản của mình là chiếc nhẫn có giá trị tương đương 5 chỉ vàng 99,99. Trong trường hợp phía gia đình nữ sinh không hợp tác, người này có quyền yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật để giải quyết. Thậm chí, nếu vị phụ huynh này thể hiện ý chí muốn chiếm giữ, không trả lại tài sản, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Diệu