Vụ kiện 3 cấp toà tuyên thắng, bản án vẫn bất ngờ bị kháng nghị sau 1 ngày dưới góc nhìn luật sư

(Dân trí) - Ngày 25/01/2016, TAND Tối cao mới ký Thông báo số 19/TNDTC-VGĐKT II thì đương nhiên khi đó họ mới chuyển Hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội để nghiên cứu theo công văn mượn Hồ sơ vụ án. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 24 tiếng sau khi TAND Tối cao trả lời bị đơn là không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm thì VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị.

Vụ án tranh chấp tài sản nhà đất 79 Tây Sơn - Đống Đa (Hà Nội) đã được 3 cấp từ TAND quận Đống Đa đến TAND Tối cao “rà đi xét lại” với một bản án thống nhất trả tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp. Tuy nhiên, điều bất ngờ là chỉ một ngày sau khi TAND Tối cao có phân định sự việc, vụ án lại bị VKSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị. Và 13 năm đi đòi nhà cho ở nhờ, chuẩn bị cưỡng chế 6 lần mà đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Văn Thiệp - Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: “Theo quy định của Bộ luật dân sự thì quan hệ cho mượn, cho ở nhờ là quan hệ pháp luật dân sự có bản chất đơn vụ, tức người đi mượn, đi ở nhờ được hưởng quyền mà không phải thực hiện nghĩa vụ. Ngược lại, bên cho mượn, cho ở nhờ phải thực hiện nghĩa vụ, như vậy thời gian hưởng dụng tài sản càng lâu thì xét trên thực tế, chủ tài sản bị thiệt thòi tỷ lệ thuận với thời gian chiếm hữu, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức của bên ở nhờ. Pháp luật dân sự của Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới thì ở nhờ không phải là căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu cho người ở nhờ.

Vụ kiện 3 cấp toà tuyên thắng, bản án vẫn bất ngờ bị kháng nghị sau 1 ngày dưới góc nhìn luật sư - 1

Cả 3 cấp Toà đều xác định rõ nguồn gốc nhà đất 79 Tây Sơn, đồng thời yêu cầu trả lại tài sản cho chủ nhà đất.

Cả 3 cấp Toà đều xác định rõ nguồn gốc nhà đất 79 Tây Sơn, đồng thời yêu cầu trả lại tài sản cho chủ nhà đất.

Một số quốc gia còn có hình phạt nếu ở nhờ nhưng không trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Như vậy cả về phương diện pháp lý và đạo lý thì việc mượn tài sản, ở nhờ nhà người khác nhưng lại ngoan cố không trả của gia đình bị đơn là không thể chấp nhận được”, Luật sư Thiệp bày tỏ quan điểm.

Theo luật sư Thiệp, vụ án này tưởng chừng đơn giản vì ai cũng biết “mượn, ở nhờ thì phải mang ơn người giúp mình và trả lại tài sản khi có yêu cầu” nhưng thực tế không đơn giản như mọi người nghĩ. Suốt 13 năm kiên trì đòi nhà cho ở nhờ, gia đình bà Nguyễn Thu Vững vô cùng đau khổ, bức xúc vì sự chống đối của bị đơn và việc chậm giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng, theo bà Nguyễn Thu Vững thì chỉ riêng tiền để gửi hàng ngàn đơn thư khiếu nại, công văn kiến nghị của luật sư đã tốn kém hàng chục triệu đồng.

Luật sư Thiệp phân tích về quy trình tố tụng giải quyết đơn thư của các đương sự theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền để cho thấy sự bất thường của quyết định kháng nghị trong vụ việc này của Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao.

“Theo thủ tục thông thường và cơ chế phối hợp giữa hai ngành Tòa án và Kiểm sát thì khi một cơ quan đã tiến hành thụ lý đơn để xem xét thì cơ quan đó sẽ ra quyết định rút Hồ sơ để nghiên cứu, khi nghiên cứu và có Thông báo trả lời hay ra các quyết định có liên quan thì sau đó mới chuyển hồ sơ nếu Tòa hoặc Viện kiểm sát cùng cấp có yêu cầu mượn Hồ sơ. Như vậy, vụ án này đang được Tòa án nhân dân tối cao xem xét, ngiên cứu và chính cơ quan này đã rút Hồ sơ vụ án từ TAND thành phố Hà Nội về Tòa Tối cao để xem xét thì đương nhiên Viện kiểm sát nhân dân cấp cao mới thành lập chưa thể có Hồ sơ vụ án để nghiên cứu.


Chính gia đình bị đơn cũng thừa nhận đây là người thuê nhà trong nhiều tài liệu, văn bản.

Chính gia đình bị đơn cũng thừa nhận đây là người thuê nhà trong nhiều tài liệu, văn bản.

,Mặt khác, ngày 25/01/2016 TAND Tối cao mới ký Thông báo số 19/TNDTC-VGĐKT II thì dương nhiên khi đó họ mới chuyển Hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội để nghiên cứu theo công văn mượn Hồ sơ vụ án. Như vậy chỉ chưa đầy 24 tiếng sau khi TAND Tối cao trả lời bị đơn là không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Đống Đa và Bản án Phúc thẩm của TAND thành phố Hà Nội đã xét xử đúng pháp luật thì Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra Kháng nghị số 06/2016/KN-DS ngày 26/01/2016 để yêu cầu Toàn án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hủy cả hai bản án nêu trên.

Điều này cho thấy sự bất thường vì nếu có độ trễ trong việc phát hành Thông báo của Tòa án nhân dân Tối cao thì Viện kiểm sát nhân dân cấp cao chỉ có Hồ sơ trước đó không quá 7 ngày, vậy tại sao họ lại nghiên cứu hàng ngàn bút lục trong thời gian ngắn như vậy để ra Kháng nghị trong khi theo chính báo cáo cả ngành Kiểm sát thì hiện còn tồn đọng rất nhiều hồ sơ chưa được xem xét trong đó có nhiều ngàn hồ sơ sắp hết hạn”, luật sư Thiệp phân tích.


Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định kháng nghị để xem xét lại Chính sách của Nhà nước về quản lý, phân phối sử dụng nhà đất trước thời điểm ngày 01/7/1991 là điều bất thường, khó hiểu và chưa có tiền lệ.

Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định kháng nghị để xem xét lại Chính sách của Nhà nước về quản lý, phân phối sử dụng nhà đất trước thời điểm ngày 01/7/1991 là điều bất thường, khó hiểu và chưa có tiền lệ.

Luật sư Thiệp nhận định: “Theo Luật Tổ chức TAND số 62/2014/QH13 ngày 24/11/2014 thì Toàn án nhân dân Tối cao là cơ quan giải quyết cuối cùng và cùng cấp với Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Như vậy việc Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội Kháng nghị chỉ cùng cấp với Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà nội, do vậy không thể có thẩm quyền cao hơn TAND Tối cao. Hơn nữa, đã Kháng nghị xem xét lại chính sách và đối tượng của chính sách nhà đất thì sao lại Kháng nghị về công sức, một thuật ngữ hết sức định tính,chẳng khác nào nói không có tội nhưng lại xin giảm nhẹ hình phạt?”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế