Hải Phòng:

Vụ đánh cắp con dấu, thách thức tòa án: "Cần xử lý hình sự để thượng tôn pháp luật"

(Dân trí) - "Vụ tổ chức phá khóa, đánh cắp con dấu pháp nhân của Công ty CP đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng cấu thành nhiều tội danh cần khởi tố ngay. Hơn nữa, các đối tượng còn thách thức tòa án, chống lệnh thi hành án", luật sư Vi Văn Diện phân tích.

Như thông tin Dân trí đã đăng tải, vụ việc nhóm cổ đông Công ty CP đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng đã táo tợn phá khóa đánh cắp những con dấu quan trọng của công ty. Khi bị phát hiện, đối tượng chiếm giữ con dấu trái phép còn chống lệnh tòa và bất chấp thi hành án gây bức xúc dư luận.

Tuy nhiên, khi sự việc đã rõ ràng, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng lại có thông báo trả lời người tố cáo về việc “không khởi tố vụ án” vì cho rằng ành vi trái phép ấy không phạm vào điều 268 Bộ luật hình sự vì Công ty CP Đầu tư và phát triển kim khí là doanh nghiệp thuộc tổ chức kinh tế, con dấu của công ty không được xác định là con dấu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.

Để làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) dưới góc độ pháp lý.

 Luật sư Vi Văn Diện: 
 Luật sư Vi Văn Diện: "Cần xem xét khởi tố vụ đánh cắp con dấu, thách thức tòa án"

Luật sư Diện nhận định: "Vụ việc chiếm giữ, sử dụng trái phép con dấu của các đối tượng là cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng từ ngày 08/01/2012 kéo dài đến nay, cho dù đến tận tháng 9/2012 Công ty này mới được phép làm lại con dấu mới.

Tham gia xem xét giải quyết vụ việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đã có thông báo trả lời người tố cáo về việc “không khởi tố vụ án” đối với tội danh “chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội” được quy định tại Điều 268 Bộ luật hình sự, theo tôi với kết quả trả lời nêu trên là chưa thuyết phục, chưa thoả đáng đối với hành vi vi phạm và hậu quả gây ra."

Theo luật sư Diện, xét thấy hành vi vi phạm này còn nằm trong nhiều các quy định khác của Bộ luật hình sự cũng như pháp luật liên quan, vậy cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng cần xem xét hết mọi góc độ pháp lý và trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích cho doanh nghiệp, bởi lẽ:

- Hành vi cố ý tự phá khoá phòng văn thư Công ty để lấy đi con dấu, tài liệu pháp lý của Công ty có thể xem xét là hành vi trộm cắp tài sản.

 Luật sư Vi Văn Diện: 
Quyết định không khởi tố vụ án của Công an TP Hải Phòng vì cho rằng các đối tượng trộm cắp con dấu của tổ chức kinh tế chứ không phải con dấu của nhà nước, tổ chức xã hội.

 Luật sư Vi Văn Diện: 
Chi cục thi hành án quận Lê Chân khẳng định sẽ xem xét tính chất vụ việc chống thi hành án, đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý.

- Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hình sự. Căn cứ quy định pháp luật cho thấy con dấu của doanh nghiệp là tài sản, mà đây là loại tài sản đặc biệt liên quan đến tư cách pháp lý của doanh nghiệp, liên quan đến các hoạt động giao dịch, ký kết hợp đồng kinh tế, dân sự, đặc biệt là giao dịch với các tổ chức tín dụng bảo đảm doanh nghiệp hoạt động liên tục, đầy đủ tư cách pháp nhân, sử dụng cho những văn bản nội bộ cũng như phục vụ chế độ, chính sách cho người lao động...

Nếu không có con dấu thể hiện tư cách pháp nhân của mình doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng bị đình trệ hoạt động, không thể báo cáo các cơ quan quản lý chức năng như cơ quan thuế... dẫn đến vi phạm, hậu quả từ hành vi chiếm đoạt con dấu của các đối tượng này là rất nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về con dấu của doanh nghiệp:

Điều 36: Con dấu của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai.

Như vậy, nếu không phải là đại diện theo pháp luật thì sẽ không có quyền quản lý và sử dụng con dấu của công ty.

Vấn đề Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng cần xem xét đến tính định lượng, giá trị của con dấu trong vụ việc này cũng như hậu quả, thiệt hại của doanh nghiệp từ hành vi chiếm giữ, cố tình không trả lại con dấu của nhóm đối tượng đã trộm cắp.

Luật sư Diện khẳng định: Trên cơ sở đó cần căn cứ Điều 138 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Trộm cắp tài sản”, Điều 141 về hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản” để xử lý triệt để hành vi vi phạm của nhóm cổ đông này chứ không chỉ căn cứ duy nhất Điều 268 Bộ luật hình sự.

"Ngoài ra, xét thấy hành vi của nhóm đối tượng này còn ngang nhiên, trắng trợn vi phạm, coi thường pháp luật, cố tình chống đối và công khai việc “chiếm giữ tài sản” là con dấu của Công ty mà không trả lại cho doanh nghiệp, coi thường phán quyết, yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền như toà án, cơ quan thi hành án… còn có tiềm ẩn việc sử dụng con dấu trái quy định của pháp luật cho mục đích khác của những người chiếm giữ.

Từ những quy định của pháp luật nêu trên, để giải quyết triệt để hành vi vi phạm của nhóm đối tượng là cổ đông Công ty đã cố ý chiếm giữ con dấu của doanh nghiệp, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng cần xem xét khách quan các cơ sở pháp lý liên quan, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội “trộm cắp tài sản”, “chiếm giữ trái phép tài sản” thì cần khởi tố ngay vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ động cơ, mục đích và nội dung bản chất của vụ án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tố cáo", luât sư Diện cho biết.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Anh Thế