Bài 3:
Vụ công nông "ăn gà" đại náo làng quê: Bất lực hay buông lỏng quản lý?
(Dân trí) - Việc nói ra những ưu điểm của công nông, xe tự chế chỉ là sự ngụy biện, biểu hiện buông lỏng quản lý, bất lực hoặc tiềm ẩn dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hành chính của xã Bình Minh, huyện Thanh Oai
Như Dân trí đã thông tin về hoạt động "đại náo" của dàn xe công nông tự chế chuyên "ăn gà" tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội, gây nỗi kinh hoàng cho người dân về sự mất an toàn giao thông cũng như ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Biết sai nhưng không thể cấm!
Công nông tự chế chạy với tốc độ "bàn thờ", luồn lách qua từng con ngõ nhỏ vận chuyển gà sống từ cánh đồng rìa làng đến các lò mổ trong làng. Đi đến đâu, nó để lại những tiếng động chát chúa như muốn "nhảy bổ" vào đầu người, kèm theo đó là lông gà, phân gà rồi mùi hôi thối bay khắp nơi.
Các loại xe này đa phần đã cũ nát, một số được chế tạo mới, mỗi lần lưu thông nhìn chúng như những "cục sắt" chạy trên đường, không ai có thể đảm bảo về độ an toàn.
Con đường bê tông vốn đã nhỏ chạy ngang cổng Ủy ban Nhân dân xã Bình Minh cứ chiều đến, hàng nghìn người dân đổ ra đường, người đi chợ, người đi làm về, học sinh thì tan học làm cho con đường càng nhỏ bé hơn. Như những "ông vua con", loạt công nông tự chế nghênh ngang, tự do chạy khắp nơi, thậm chí vô tư đi qua cổng trụ sở UBND xã Bình Minh.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Bình Minh khẳng định việc xe công nông chuyên vận chuyển gà từ bãi tập kết vào lò mổ gây bức xúc trong nhân dân là hoàn toàn đúng sự thật, về việc này lãnh đạo xã cũng đã nắm được, tuy nhiên việc để xe công nông tự chế hoạt động vận chuyển gà vào lò mổ trong làng là điều bất khả kháng.
"Việc sử dụng xe công nông vận chuyển gà phù hợp nhiều yếu tố như hệ thống giao thông trong làng nhỏ, hẹp, chi phí thấp. Trong khi vận chuyển gà không thể dùng bạt phủ kín như vận chuyển vật liệu xây dựng. Vì gà công nghiệp có đặc thù rất dễ bị chết nếu như vận chuyển lâu, chật chội hay bị phủ bạt.
Việc phát triển nghề giết mổ gia cầm đã mang về một nguồn lợi về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do đường làng nhỏ hẹp, ô tô không thể lưu thông vào trong làng, đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xe công nông hoạt động trên địa bàn xã mặc dù đã bị cấm theo quy định của nhà nước". "Ông Nguyễn Duy Nhu - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết.
Theo quan sát của PV Dân trí, đến thời điểm hiện tại, dàn công nông tự chế vẫn tha hồ "tung hoành" khắp nẻo đường, ngõ xóm như không hề có sự vào cuộc nào của lực lượng chức năng huyện và xã.
Bất lực hay có dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hành chính?
Trong lịch sử giao thông của nước ta không thể phủ nhận sự đóng góp của phương tiện công nông tự chế, xe ba bánh chế đối với hoạt động giao thông, vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên theo thời gian, đi cùng sự tiến bộ của đời sống văn minh xã hội, khả năng thay thế đáp ứng bằng những phương tiện an toàn, hiện đại hơn xe công nông, xe tự chế bộc lộ những điểm yếu, hệ lụy dẫn tới bắt buộc phải được thay thế, loại bỏ trong đời sống xã hội.
Xe công nông, những chiếc xe ba bánh tự chế đủ nguồn gốc xuất xứ, lắp ráp động cơ cũ nát của các loại xe máy 100 - 125 cm3 đã qua sử dụng, khung xe từ các loại xe máy của nước ngoài không còi, không có đèn xi-nhan, không có giấy kiểm định chất lượng xe cơ giới đường bộ, người lái không bằng lái nhưng vẫn "tự nhiên" chở hàng hóa cồng kềnh, chở người quá tải trên khắp các tuyến đường, gây cản trở, ùn tắc, mất TTATGT, mỹ quan đô thị.
Trước hiện trạng đó Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32 của Chính phủ quy định từ 1/1/2008 cấm tất cả các xe công nông tự chế, xe ba, bốn bánh lưu thông trên tất cả các tuyến đường. Mới đây tại nghị định 100/2019 quy định xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng và tịch thu xe đối với những người cố tình sử dụng công nông tự chế.
Chủ trương của Đảng, chỉ thị của Thủ tướng, Pháp luật của Nhà nước khi ban hành đã được nghiên cứu thấu tình đạt lý. Quy định về loại bỏ, tịch thu xe công nông, xe tự chế đã có đề án, có thời gian cụ thể tiến tới loại bỏ hoàn toàn.
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho rằng: Việc UBND xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, HN đưa ra các lý do lợi thế của phương tiện trên chỉ có thể hiểu là sự ngụy biện, đối phó, tìm kiếm những lý do không chính đáng để làm ngơ, bất lực trước tình trạng vi phạm pháp luật giao thông ở tại địa phương. Những lý do đó người ta cũng có thể tìm thấy được với xe đạp thồ, xe bò cải tiến, xe trâu kéo vốn đã bị loại bỏ dần trong lịch sử văn minh tiến bộ của các phương tiện giao thông.
Nếu nói công nông, xe tự chế có ưu thế tuyệt diệu đến vậy thì tại sao chủ trương của Nhà nước lại loại bỏ nó? Phải chăng quan điểm của UBND xã Bình Minh gián tiếp khẳng định các quy định pháp luật của Nhà nước không phù hợp, thiếu xem xét đến thực tế đời sống xã hội, đời sống dân sinh?
Phải chăng đó cũng là sự khẳng định của UBND xã về việc chủ trương loại bỏ xe cũ nát là sai lầm, gây thiệt hại cho đời sống sản xuất kinh doanh?
Trên thực tế, chủ trương loại bỏ xe công nông, xe tự chế cũ nát đã được triển khai rộng khắp trong cả nước, nhiều nơi người dân đã không còn phải chứng kiến cảnh "ra đường sợ nhất công nông". Nhiều địa phương đã triển khai tốt, đạt kết quả cao, được sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Từ đó có thể thấy chủ trương, quy định này là đúng đắn, phù hợp với đời sống văn minh xã hội.
"Do vậy việc nói ra những lợi thế, ưu điểm của công nông, xe tự chế âu cũng chỉ là sự nguy biện, biểu hiện của sự buông lỏng quản lý, có phần bất lực hoặc tiềm ẩn dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hành chính tại địa phương đó", Luật sư Lực nhận định.
Tại bài báo có nêu ý kiến của Công an huyện Thanh Oai "Theo thống kê trên địa bàn toàn huyện có 420 chiếc xe công nông tự chế, trong năm 2020 Công an huyện Thanh Oai đã bắt giữ xử lý 19 xe, hiện tại số xe này đang bị tạm giữ tại bãi. Trong thời gian tới Công an huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân không sử dụng xe công nông tự chế, việc xử lý, tịch thu phương tiện chỉ là giải pháp cuối cùng".
"Đây cũng là một biểu hiện tâm lý cả nể, cục bộ địa phương, áp dụng pháp luật thiếu thống nhất đồng đều. Phải kiên quyết rằng phương tiện kém an toàn bắt buộc phải loại bỏ, pháp luật phải được thực thi triệt để, không có ngoại lệ. Nếu các cơ quan ở địa phương tiếp tục giữ tâm lý thực thi pháp luật như vậy thì gần như chắc chắn không thể loại bỏ công nông, xe tự chế của địa phương này khỏi giao thông", Luật sư Lực thẳng thắn chia sẻ quan điểm.
Chính yếu tố tâm lý này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ tại Nghị quyết số 32.
"Một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông tăng trong thời gian qua là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông từ Trung ương đến địa phương chưa thật tập trung và chưa có trọng điểm, có lúc điều hành thiếu quyết liệt hoặc chưa liên tục; chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn thờ ơ hoặc đứng ngoài cuộc; ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông kém, nhiều người vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông rất ngang nhiên mà không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm".
Trước lý do mà Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng: "Để hạn chế rồi đi đến chấm dứt việc sử dụng xe công nông tự chế như hiện nay, theo tôi chỉ còn cách là hoàn thiện khu vực lò mổ trên địa bàn xã. Khu giết mổ này có diện tích 4,3 ha, hiện tại đã xây dựng xong tường bao, hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, nước sạch từ 2015. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa thể đi vào hoạt động".
Luật sư Lực nhận định: Ở địa phương có khu giết mổ 4,3ha nhưng đến nay chưa triển khai việc đưa toàn bộ 300 hộ giết mổ trong khu dân cư để sản xuất kinh doanh tập trung được có thể cũng có một phần từ sự do dự, lưỡng lự của người kinh doanh.
Có thể thấy nếu vẫn còn lợi thế sản xuất tại nhà, không phải thuê mặt bằng, không phải xử lý nước thải, không cần đảm bảo vệ sinh môi trường, việc vận chuyển bằng phương tiện tự chế rẻ tiền thì đúng là không ai cần chứ đừng nói đến quyết tâm di dời đến khu giết mổ tập trung.
Hàng nghìn hộ dân tại xã Bình Minh ngoài việc yêu cầu cấm xe công nông, xe tự chế họ còn có quyền yêu cầu cơ quan chức năng buộc di dời 300 hộ dân sản xuất giết mổ ra khỏi khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông.
Xin cảm ơn Luật sư!