Vụ cấp “sổ đỏ” trái luật hơn 20 năm chưa được giải quyết: Sai phạm nối tiếp sai phạm?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Một vụ cấp sổ đỏ trái pháp luật hơn 20 năm chưa được giải quyết”, mặc dù tiếp nhận đơn khởi kiện của người dân đã hơn 16 tháng nhưng TAND huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) vẫn chưa đưa ra xét xử, khiến người dân bức xúc.

Hơn một năm vẫn còn… thu thập chứng cứ

Tiếp xúc với PV Dân trí, ông Nguyễn Đông Xuân (người được bà Lê Hồng Thắm ủy quyền) cho biết, vụ tranh chấp đất giữa bà Thắm và ông Nguyễn Văn Lệnh đã kéo dài hơn 20 năm qua chưa được giải quyết dứt điểm. Từ khi nhận đơn đến nay đã hơn 16 tháng nhưng TAND huyện Thới vẫn chưa đưa ra xét xử.

“Trong giấy thông báo nhận đơn khởi kiện do thẩm phán Võ Quốc Văn ký ngày 1/4/2016 thể hiện rất rõ: “…hết thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn đương sự phải đến tòa án để biết kết quả xem xét đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, từ khi nhận đơn, TAND huyện Thới Bình cứ liên tiếp triệu tập tới, triệu tập lui; bắt gia đình tôi phải bổ sung hết hồ sơ này đến hồ sơ nọ. Tuy nhiên, khi gia đình tôi đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tòa thì tòa lại im lặng. Thử hỏi, có phải tòa cố ý kéo dài thời gian để làm khó chúng tôi hay không”, ông Xuân bức xúc.

Tiếp nhận đơn từ ngày 1/4/2016 đến nay hơn 16 tháng, nhưng TAND huyện Thới Bình vẫn đang… thu thập chứng cứ.
Tiếp nhận đơn từ ngày 1/4/2016 đến nay hơn 16 tháng, nhưng TAND huyện Thới Bình vẫn đang… thu thập chứng cứ.

Theo hồ sơ, ngày 28/7/1988, bà Lê Hồng Thắm có sang nhượng của ông Nguyễn Văn Cang (ngụ khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) diện tích đất 1.296 m2, giấy tờ sang nhượng có sự chứng kiến và xác nhận của chính quyền lúc bấy giờ. Kể từ khi sang nhượng, bà Thắm liên tiếp canh tác và cải tạo phần đất này.

Đến năm 1993, ông Nguyễn Văn Lệnh (cháu nội ông Cang) nhảy vào tranh chấp và cho rằng phần đất trên là phần đất của ông nội ông Lệnh để lại.

Vụ việc vẫn chưa xác định ai đúng ai sai thì đầu năm 1993, bà Thắm bất ngờ phát hiện ông Lệnh đã được huyện Thới Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Chủ tịch huyện Thới Bình Lê Văn Miễn ký.

Điều đáng nói, ông Lê Văn Miễn (Chủ tịch UBND huyện Thới Bình thời điểm trước năm 1991) được điều chuyển công tác ở vị trí khác vào năm 1991, nhưng chữ ký của ông này lại xuất hiện trong sổ đỏ cấp cho ông Nguyễn Văn Lệnh vào năm 1993 (tức sau 3 năm ông Miễn chuyển công tác).

Cho rằng ông Miễn đã chuyển công tác từ năm 1991 nên không thể ký vào sổ đỏ vào năm 1993 và việc này là trái pháp luật, bà Thắm liên tục có đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ sai phạm nhưng vẫn không có ai giải quyết.

Vụ cấp “sổ đỏ” trái luật hơn 20 năm chưa được giải quyết: Sai phạm nối tiếp sai phạm? - 2
Quyết định điều chuyển công tác ông Lê Văn Miễn (ảnh trên) và chữ ký của ông Miễn trong sổ đỏ cấp cho ông Lệnh.
Quyết định điều chuyển công tác ông Lê Văn Miễn (ảnh trên) và chữ ký của ông Miễn trong sổ đỏ cấp cho ông Lệnh.

Sau gần 30 năm đội đơn tìm công lý, bà Thắm hết sức phấn khởi khi ngày 1/4/2016, TAND huyện Thới Bình đã nhận đơn khởi kiện của gia đình bà. Tuy nhiên, đã 16 tháng qua, tòa cứ mời tới mời lui mãi không chịu đưa vụ án ra xét xử, dẫn đến gây bức xức đối với gia đình bà và những người liên quan.

“Có lẽ do vụ làm trái pháp luật này có liên quan đến nhiều cán bộ công chức nên yêu cầu của tôi đã bị vô hiệu hóa chăng”, bà Thắm bức xúc đặt nghi vấn.

Trả lời câu hỏi vì sao tiếp nhận đơn của đương sự đã hơn một năm mà chưa có thông báo đưa vụ án ra xét xử và việc kéo dài như vậy có đúng quy định? Thẩm phán Võ Quốc Văn cho rằng, do vụ việc đã kéo dài 28 năm nên tòa phải đi thu thập thêm nhiều tài liệu chứng cứ. “Tòa đòi hỏi phải chính xác, khách quan nên cần phải thu thập thêm…”, thẩm phán Văn lập luận.

Giấy tờ sang đất của bà Thắm có sự xác nhận của chính quyền địa phương thời đó.
Giấy tờ sang đất của bà Thắm có sự xác nhận của chính quyền địa phương thời đó.

Sai phạm nối tiếp sai phạm?

Mới đây, người nhà nguyên đơn đã cung cấp cho PV Dân trí nhiều tài liệu mà theo nhận định của nguyên đơn thì những tài liệu này là mấu chốt quan trọng, phần nào đã chỉ ra được nguyên nhân vì sao vụ việc lại bị kéo dài, phức tạp.

Cụ thể, trong các tài liệu mà gia đình bà Thắm cung cấp có giấy xác nhận của ông Vương Văn Nhu (Bí thư Chi bộ khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) với nội dung: “… trong thời gian bà Thắm chờ đợi cơ quan chức năng xem xét giải quyết trả lại phần đất cho mình thì không hiểu lý do gì mà chính quyền huyện Thới Bình đã cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều hộ dân trên phần đất đang tranh chấp”.

Ông Vương Văn Nhu (Bí thư Chi bộ Khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) xác nhận huyện này đã ký cấp sổ đỏ trên phần đất đang tranh chấp.
Ông Vương Văn Nhu (Bí thư Chi bộ Khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) xác nhận huyện này đã ký cấp sổ đỏ trên phần đất đang tranh chấp.

Trước đó, vào năm 2011, Ban Nhân dân khóm 8 cũng có xác nhận thể hiện ông Lê Minh Út - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện Thới Bình (trước đây ông Út là Chánh Thanh tra huyện Thới Bình) có đóng thuế đất thay chị vợ của ông trên phần đất đang tranh chấp.

“Khi còn là Chánh Thanh tra huyện, ông Út đã chủ trì giải quyết vụ tranh chấp này nên thừa biết đó là phần đất đang tranh chấp, nhưng ông lại để người thân mua phần đất đó và thay mặt người này đóng thuế”, một người thân của bà Thắm nói và cho rằng việc có nhiều người thân cán bộ được phép chuyển nhượng, ký cấp sổ đỏ trên phần đất đang tranh chấp chính là một trong những mấu chốt dẫn đến vụ việc kéo dài hơn 28 năm qua.

Vụ cấp “sổ đỏ” trái luật hơn 20 năm chưa được giải quyết: Sai phạm nối tiếp sai phạm? - 6
Từng chủ trì giải quyết vụ tranh chấp đất này khi còn làm Chánh Thanh tra huyện, nhưng ông Lê Minh Út (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện Thới Bình) lại cho người thân sang phần đất này và đứng ra đóng thuế… thay chị vợ.
Từng chủ trì giải quyết vụ tranh chấp đất này khi còn làm Chánh Thanh tra huyện, nhưng ông Lê Minh Út (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện Thới Bình) lại cho người thân sang phần đất này và đứng ra đóng thuế… thay chị vợ.

Vấn đề mà bà Thắm và người nhà đặt ra là trước đây ông Lê Văn Miễn đã ký cấp sổ đỏ trên phần đất đang tranh chấp sau 3 năm chuyển công tác đã sai quy định nhưng cơ quan chức năng không thu hồi sổ đỏ đó lại và cũng không xử lý trách nhiệm.

Sau này, chính quyền địa phương huyện Thới Bình lại tiếp tục cho phép sang nhượng, ký cấp sổ đỏ trên phần đất đang tranh chấp đó, có phải là sai phạm lại nối tiếp sai phạm và ai là người chịu trách nhiệm cho những sai phạm này?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Tuấn Thanh