Hơn trăm công nhân mất việc trong “nháy mắt”:
Viện KSND tỉnh Cà Mau kháng nghị vụ “cơ quan chức năng kết luận sai, tòa phán đúng”!
(Dân trí) - Liên quan đến vụ "cơ quan chức năng kết luận sai, tòa phán đúng" trong vụ kiện giữa người lao động và Công ty Cấp nước Cà Mau, mới đây Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đã có quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Cà Mau.
Theo quyết định kháng nghị số 02 (ngày 26/5/2017) của Viện KSND tỉnh Cà Mau đối với bản án số 21/2017/LĐ-ST của TAND TP Cà Mau, Viện KSND tỉnh Cà Mau yêu cầu TAND tỉnh này xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của người lao động về việc hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái luật của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau (nay là Công ty Cấp nước Cà Mau); buộc nhận người lao động trở lại làm việc; bồi thường tiền lương theo quy định pháp luật; truy đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho người lao động;...
Quyết định kháng nghị của Viện KSND tỉnh Cà Mau nêu rõ, công ty chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do không bố trí được việc làm ở công ty tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp, thì về trình tự, thủ tục ngày 14/8/2015, công ty tiến hành lập phương án sử dụng lao động dôi dư, gửi cho Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội vào cùng ngày và đã được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt tại Quyết định số 1246 (ngày 26/8/2015), nhưng công ty không tổ chức họp trong ngày 14/8/2015 nên khi xây dựng phương án sử dụng lao động dôi dư không có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở cũng như không có mặt của bất kỳ người lao động nào.
Hơn nữa, công ty không tổ chức đại hội công nhân viên chức khi xây dựng phương án sử dụng lao động dôi dư là vi phạm điểm c, khoản 2, Điều 7, Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH (ngày 24/12/2010) hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2010/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động đôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu; đồng thời cũng vi phạm khoản 2, Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2012, khi xây dựng phương án sử dụng lao động không có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Từ những cơ sở trên, quyết định kháng nghị của Viện KSND tỉnh Cà Mau cho rằng: “Việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động là trái pháp luật, án sơ thẩm bác yêu cầu của người lao động là ảnh hưởng quyền lợi của đương sự nên cần kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, sửa án sơ thẩm hủy quyết định của Công ty Cấp nước Cà Mau về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động do trái luật”.
Liên quan đến bản án mà TAND TP Cà Mau đã tuyên người lao động thua kiện, Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc TAND TP Cà Mau nhận định: “… dù có tổ chức Đại hội hay Đại hội đại biểu chỉ có một nhiệm vụ cho ý kiến về danh sách lao động từ mẫu 1 đến mẫu 3, trong khi đó danh sách người lao động dôi dư tại mẫu 3 đã được UBND tỉnh phê duyệt như bước 2 đã nêu trên…” thì cách hiểu của tòa sơ thẩm là sai so với quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Lễ, Thông tư 38 quy định trách nhiệm của công ty thực hiện sắp xếp lại lao động dôi dư thì cần phải lập danh sách lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn tổ chức Đại hội công nhân viên chức hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức để đại hội cho ý kiến về danh sách lao động. Trên cơ sở ý kiến của đại hội, công ty chốt danh sách người lao động để giải quyết lao động dôi dư và hoàn thiện phương án giải quyết lao động dôi dư để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Luật sư Lễ cho rằng, luật quy định công ty phải phối hợp công đoàn tổ chức Đại hội người lao động để chốt danh sách, chứ công ty không có quyền tự quyết chốt danh sách người lao động để đơn phương trình UBND tỉnh ký duyệt.
“Việc công ty cho rằng có thực hiện cuộc họp gồm 14 người đại diện các phòng ban và Chủ tịch công đoàn tham gia thì không thể xem là thay thế Ban chấp hành công đoàn; giữa Ban chấp hành công đoàn và công ty cũng không có văn bản nào giao việc Chủ tịch thay Ban chấp hành công đoàn tham gia các cuộc họp. Việc 14 người đại diện các phòng ban và có Chủ tịch công đoàn là không thể thay thế Đại hội công nhân viên chức hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức theo quy định Thông tư 38. Do đó, tòa cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của người lao động là không đúng quy định pháp luật”, Luật sư Hồ Nguyên Lễ nhận định.
Như Dân trí đã phản ánh, để chuyển từ công ty 100% vốn Nhà nước sang công ty cổ phần, Công ty Cấp nước Cà Mau đã cho hơn 100 người lao động nghỉ việc, mà theo kết luận của các Sở ngành liên quan thì công ty đã cho người lao động nghỉ việc trái quy định.
Để chấn chỉnh vấn đề trên và tránh tình trạng khiếu kiện, tố cáo kéo dài, phức tạp, ngày 28/12/2016, UBND tỉnh Cà Mau đã có Công văn số 9022 chỉ đạo các Sở, Ban ngành chuyên môn và Công ty Cấp nước Cà Mau thực hiện tái cơ cấu tổ chức sắp xếp bố trí lại lao động làm việc,... đảm bảo dân chủ và quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Sau khi tiếp nhận công văn chỉ đạo nói trên của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Ban Giám đốc Công ty Cấp nước đã có tờ trình gửi Hội đồng quản trị công ty thừa nhận có sai sót và đề nghị nhận lại 29 lao động bị cho nghỉ việc hồi tháng 5/2016. Thế nhưng, ông Lý Hoàng Trung (Chủ tịch Hội đồng Quản trị) vẫn “phớt lờ” chỉ đạo của UBND tỉnh và đề nghị của Ban Giám đốc công ty.
Tuấn Thanh