Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm…

(Dân trí) - Ngày 27/6, ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Ông đã viện dẫn câu nói nổi tiếng của Bác Hồ để làm tiêu chí cho hoạt động của khóa Nhà nước mới: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

Sau đó, ông thủ tướng mới nhậm chức Nguyễn Tấn Dũng cũng có cuộc trả lời phỏng vấn các báo, và ông cũng viện dẫn câu nói trên của Bác Hồ để làm phương châm hoạt động cho khóa Chính phủ mới.

 

Bác Hồ đã nói câu nói trên vào tháng 10/1945, chỉ hơn một tháng sau khi Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khi đó, Bác viết bức thư “Gửi các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện và làng”.

 

Trong thư Bác phê phán các tệ “Trái phép”, “Cậy thế”, “Hủ hóa”, “Tư túng”, “Chia rẽ”, “Kiêu ngạo” của cán bộ, đảng viên các cấp từ trung ương đến địa phương. Chính quyền nhân dân non trẻ vừa mới được thành lập, nhưng các tệ đó trong bộ máy đảng và nhà nước cũng lập tức đã bắt đầu nảy sinh, gây tác oai tác quái cho nhân dân. Bởi vậy, Bác Hồ phải viết bức thư đó để nhắc nhở cán bộ, đảng viên các cấp phải tự chấn chỉnh lại mình.

 

Trong thư Bác viết: “Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì.” Sau đó, Bác căn dặn:

 

“Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

 

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”.

 

Chính với phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, mà vào ngày 11/11/1945, Bác Hồ đã tuyên bố “Đảng cộng sản Đông dương tự ý giải tán”. Bác không ngại nếu bị phản đối, bởi vì Bác đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Giải tán Đảng cộng sản Đông dương, đảng rút lui vào hoạt động bí mật, để đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân, và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước trên thế giới.

 

Khi đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam mới, Bác cũng đặt tên nước là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chứ không đặt tên khác. Và đến năm 1951, khi Đảng khôi phục hoạt động công khai, Bác cũng đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam, chứ không đặt tên khác. Bác không sợ phạm húy với các giáo điều của chủ nghĩa xã hội, vì với Bác, “việc gì lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh”.

 

Thế nhưng giờ đây, bộ máy Đảng, Nhà nước của ta từ trung ương đến địa phương vẫn chưa thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy. Ngày nay, tệ tham nhũng, quan liêu, xa dân, cậy thế, ức hiếp, đè nén, xếch mé với dân thậm chí có nơi, có chỗ còn phát triển hơn trước.

 

Cả hai vị Chủ tịch nước mới và Thủ tướng mới ngay khi vừa nhậm chức, đã nhắc lại lời dạy của Hồ Chủ Tịch làm phương châm hành động cho bộ máy Nhà nước quả là điều đáng mừng.

 

Và không chỉ là lời nói. Ngày mồng 5/7, sau khi nhậm chức chưa đầy 10 ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ công an tạm đình chỉ chức vụ thủ trưởng Cơ quan điều tra của ông thiếu tướng công an Cao Ngọc Oánh vì những dấu hiệu liên quan đến vụ PMU18.

 

Cùng trong ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chấp nhận đơn xin từ chức của ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm, vì “vụ chiếc cặp để quên có nhiều tiền”. (Nhưng không hiểu sao, đến nay trang Web của Chính phủ vẫn thấy để tên, ảnh và chức vụ của ông Lâm).

 

Và ngày 13/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đề nghị Ban bí thư cho phép Thủ tướng được tạm đình chỉ 3 tháng chức vụ của ông Phó tổng Thanh tra Nhà nước Trần Quốc Trượng, vì có dấu hiệu liên quan đến những tiêu cực trong ngành dẩn khí.

 

Quả là những việc làm kiên quyết, được lòng dân.

 

Có ý kiến của một vị trong ngành công an nói rằng khi điều tra đến các cán bộ do trung ương quản lý, thì gặp khó khăn. Ý kiến này có lẽ chưa chuẩn xác lắm. Ba quyết định nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng với cơ chế cũ đó thôi, chưa có cơ chế mới nào thay thế cả. Nhưng Thủ tướng mới lên, thế là mọi việc đều khác cả.

 

Hơn nữa, ông Cao Ngọc Oánh có phải là cán bộ thuộc diện do Ban bí thư quản lý đâu. Thế nhưng ngành công an chỉ cho ông Oánh tạm thôi chức thủ trưởng Cơ quan điều tra sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, mà không chủ động làm điều đó từ trước. Thế mới biết phê phán người khác thì dễ lắm, nhưng nói đến mình thì không đơn giản. Cách làm việc đó chưa phải là theo tinh thần Bác Hồ đã dạy.

 

Theo tin báo chí trong nước, Chính phủ đang chỉ đạo làm kiên quyết 5 vụ án tham nhũng trọng điểm, là vụ PMU18, vụ dầu khí cảng Thị Vải, vụ Nguyễn Lâm Thái trong ngành bưu điện, vụ Tổng công ty hàng không và vụ Nguyễn Đức Chi. Trong 5 vụ này, chỉ trừ vụ Nguyễn Đức Chi là công ty tư nhân, còn lại 4 vụ kia đều là công ty Nhà nước. Với vụ Nguyễn Đức Chi cũng đều có sự tiếp tay của cán bộ nhà nước từ trung ương đến đại phương.

 

Phải chăng công ty Nhà nước là một mảnh đất màu mỡ cho tệ tham nhũng phát triển?

 

Câu hỏi đó cần được Chính phủ khóa mới kiên quyết làm rõ, và tìm ra giải pháp thích hợp để vừa ngăn chặn được tệ tham nhũng, vừa đưa đất nước phát triển hơn nữa. Lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại cho dân phải hết sức tránh” sẽ là kim chỉ nam, là vũ khí lý luận, tư tưởng để Chính phủ hành động.

 

Minh Tuấn

(Từ Tokyo)