Vi phạm nồng độ cồn, bị tước bằng nhưng vẫn lái xe: Có thể bị xử lý hình sự

Hải Hà

(Dân trí) - Luật sư cho biết ngoài chế tài hành chính, người bị tước bằng lái còn có thể bị xử lý hình sự nếu lái xe gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Những tháng trở lại đây, với việc lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra nồng độ cồn, không ít tài xế đã bị lập biên bản, xử phạt tiền và tước giấy phép lái xe có thời hạn. Tuy nhiên, trong số này, vẫn có những trường hợp tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ bất chấp việc không có giấy phép lái xe phù hợp.

Đối với những trường hợp này, pháp luật quy định chế tài xử lý ra sao?

Bình luận về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Trong trường hợp vi phạm, đối chiếu quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt đối với người điều khiển ôtô vi phạm nồng độ cồn thấp nhất là phạt tiền 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng còn cao nhất là phạt tiền 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Vi phạm nồng độ cồn, bị tước bằng nhưng vẫn lái xe: Có thể bị xử lý hình sự - 1

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Đối với xe máy, mức phạt thấp nhất là phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng và cao nhất là phạt tiền 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Như vậy, người vi phạm nồng độ cồn ở mức nào cũng bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe tương ứng với loại phương tiện điều khiển. Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Việc điều khiển phương tiện mà không có giấy phép phù hợp là hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, hành vi điều khiển loại phương tiện tương ứng với giấy phép lái xe đã bị tước do vi phạm nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 mà không có giấy phép lái xe phù hợp sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng. Với xe máy dung tích trên 175 cm3, mức phạt là 4-5 triệu đồng.

Đối với ôtô, mức phạt là 10-12 triệu đồng cho hành vi điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô mà không có giấy phép lái xe, sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng giấy phép bị tẩy xóa.

Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây hậu quả như làm chết người; làm người khác thương tật từ 61% trở lên hay gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trường hợp người gây tai nạn không có giấy phép lái xe theo quy định hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, khung hình phạt theo khoản 2 Điều này sẽ là phạt tù 3-10 năm.

Như vậy, về chế tài hành chính, mức phạt cho người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn đã bị tước bằng lái nhưng vẫn điều khiển phương tiện sẽ là 1-2 triệu đồng (xe dưới 175 cm3) và 4-5 triệu đồng (trên 175 cm3). Với ôtô, mức phạt là 10-12 triệu đồng.

Trường hợp gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt 3-10 năm tù.

Hoàng Diệu