Văn hóa kinh doanh, đừng để biến tướng

(Dân trí) - Cha ông ta thường nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, khi người ta không còn bận tâm chuyện “cơm - áo - gạo - tiền” thì lại nghĩ đến những nhu cầu khác trong cuộc sống. Hàng hóa ngày càng phong phú, vậy nên yếu tố chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.

Ngoài những yếu tố cơ bản để sản phẩm có một chỗ đứng trên thị trường, yếu tố văn hóa chính là chất xúc tác và mấu chốt của sự thành công. Với bất kỳ một doanh nghiệp nào, nếu đáp ứng được nhu cầu của khách hàng để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” thì doanh nghiệp đó mới được coi là “làm ăn có văn hóa”.
 
Nhưng ngược lại, không ít doanh nghiệp “bán danh” của mình đi chỉ bằng cách ứng xử đường đột, thiển cận. Không biết có phải vì đang “sống chung với cơ chế độc quyền” hay không; song với cách phục vụ như của Bưu điện N thì họ đã “bán” đi không ít khách hàng và uy tín của mình.
 
Văn hóa kinh doanh, đừng để biến tướng - 1
Làm sao để người bán và người mua hài lòng trong kinh doanh

Anh Hòa người Thanh Hóa làm nghề tài xế, hôm chủ nhật vừa rồi vào một Bưu điện để mua một thẻ sim điện thoai. Không biết vì thấy ông khách nhếch nhác quá hay bực mình chuyện gia đình mà cô nhân viên cũng lần lựa, không những thế còn tỏ thái độ trịch thượng đến khó chấp nhận. Sau khi vứt hai thẻ sim cho khách xem rồi cô vắt chân lên ghế nói chuyện điện thoại. Sau khi xem xong anh Hòa không đồng ý những số sim đó và muốn xem thêm số sim khác, cô nhân viên nọ liền giật phắt hai cái sim đó ở trong tay khách và không quên xối xả: “Đã không có tiền lại còn thích số đẹp, thôi đi đi, chỗ này không phải là nơi nghĩ giải lao miễn phí…”. Có lẽ vì ở đây có máy điều hòa nhiệt độ.

Thật đáng tiếc, không biết ông Giám đốc ở Bưu điện đó có biết ở cơ quan mình lại có một “con sâu” như vậy? Lại cũng không ít “thượng đế” đã dở khóc, dở mếu khi vô phúc gặp phải cách quản lý nhân viên và làm ăn như trên.

Cũng phải nói đến việc làm ăn của doanh nghiệp xăng dầu hiện nay. Lúc xăng tăng giá thì bày bán ồ ạt cả ngày lẫn đêm, khi xăng xuống giá là lại hoạt động thất thường vài tiếng trong ngày. Chủ cây xăng nào cũng muốn “găm hàng” chờ lên giá xăng nên luôn lấy lý do bảo dưỡng máy, mất điện... Việc làm của họ khiến nhiều khách hàng bức xúc, phàn nàn nhiều, vô hình chung họ đã tự làm mất đi uy tín của mình.

Nói đi cũng phải nói lại, không phải doanh nghiệp nào cũng nhăm nhăm kiếm lợi từ khách hàng mà không chăm lo cho khách của họ. Họ hết sức làm khách hành được lựa chọn sản phẩm ưng ý, họ còn có đội ngũ nhân viên đón tiếp khách hàng một cách lịch sự, nhã nhặn, niềm nở. Với cung cách như vậy, tất nhiên họ sẽ thu hút được nhiều “thượng đế” tới mua hàng. Từ đó giá thành cũng được “sân siu” cho “mềm” hơn. Nhưng quan trọng hơn là giữa bên cung và bên cầu đã tìm được tiếng nói chung trong môi trường kinh doanh lành mạnh.

Cao Tuân