Trót sang tên tài sản cho con bất hiếu, có cách nào lấy lại không?

Khả Vân

(Dân trí) - Với tư duy Á Đông, cha mẹ khi về già thường để lại tài sản cho con cái nhưng nhiều người con sau khi nhận được tài sản đã trở mặt, bất hiếu với cha mẹ. Trong trường hợp này cha mẹ có cách nào đòi lại?

Hiện nay những tranh chấp đất đai diễn ra ngày một nhiều, không ít trong số đó là những tranh chấp của chính những thành viên trong gia đình với nhau. Nhiều bậc cha mẹ muốn đòi lại đất đai đã cho từ những người con bất hiếu. Việc này không những tốn thời gian, công sức mà còn bị những người xung quanh chê cười.

Vậy có cách nào phòng ngừa từ xa và đòi lại nhà đất một cách dễ dàng từ những người con bất hiếu? Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) đã đưa ra những tư vấn hữu ích cho tình huống này.

Đòi đất từ con cái bằng những cách nào?

Với lối tư duy của người Á Đông, những bậc cha mẹ khi về già thường chủ động trao tặng tài sản mình đã làm lụng cả đời lại cho con cái, với hy vọng những người con có cuộc tốt đẹp hơn. Từ trước đến nay, những bậc cha mẹ cho con cái nhà đất thường lập hợp đồng tặng cho tài sản và sau đó sang tên nhà đất cho con.

Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều những người con sau khi nhận được tài sản, được sang tên sổ đỏ đã trở mặt, bất hiếu với cha mẹ. Không ít những trường hợp đau lòng được báo chí đưa tin về những người con bất hiếu đánh, đuổi cha mẹ ra khỏi chính ngôi nhà được cha mẹ trao tặng.

Chính vì vậy, nhiều người đã chủ động phòng ngừa, bằng cách gài thêm vào hợp đồng tặng cho tài sản điều khoản về điều kiện đối với con cái khi nhận tài sản. Đó là những người con sau khi nhận tài sản phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng và thờ cúng cha mẹ khi họ qua đời nếu không thì sẽ bị đòi lại nhà đất đã cho. Cách này đã khắc phục được phần nào hành vi của những người con bất hiếu.

Tuy nhiên, nếu trường hợp những người con vẫn trở mặt, và cha mẹ muốn chứng minh hành vi bất hiếu của người con để đòi lại nhà đất đã cho thì nhiều người lại gặp khó khăn. Bởi lẽ, việc ghi nhận lại những hành vi xúc phạm cha mẹ, bất hiếu của người con phải thông qua những chứng cứ, hoặc phải có sự làm chứng từ những người xung quanh. Và có lẽ, nhiều người do tuổi cao sức yếu, họ không còn đủ thời gian và sức lực để theo đuổi những vụ kiện tụng với con cái mình.

Có một cách tối ưu hơn để những bậc cha mẹ phòng ngừa rủi ro con cái bất hiếu trong tương lai. Cụ thể, bộ Luật dân sự 2015 ra đời và có những chế định mới về xoay quanh về quyền đối với tài sản của các chủ thể. Một trong số đó là quyền hưởng dụng của các chủ thế. Điều 257 Bộ Luật dân sự 2015 quy định rằng:

"Điều 257. Quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định."

Theo cách này, cha mẹ vẫn lập hợp đồng tặng cho tài sản và sang tên sổ đỏ nhà đất cho con cái. Nhưng trong hợp đồng tặng cho, hãy thêm vào điều khoản cha mẹ sẽ giữ lại quyền hưởng dụng nhà và đất tới cuối đời. Lúc này, con cái dù vẫn là chủ sở hữu miếng đất, nhưng cha mẹ do vẫn giữ lại quyền hưởng dụng nên họ vẫn có quyền chiếm hữu và sử dụng hợp pháp đối với nhà đất này. Người con sẽ không được phép đơn phương chấm dứt quyền này của cha mẹ nếu không thuộc những trường hợp pháp luật quy định tại Điều 265 Bộ Luật dân sự 2015, cụ thể như sau:

"Điều 265. Chấm dứt quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  1. Thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết;
  2. Theo thỏa thuận của các bên;
  3. Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng;
  4. Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định;
  5. Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn;
  6. Theo quyết định của Tòa án;
  7. Căn cứ khác theo quy định của luật."

Pháp luật cũng quy định về quyền hưởng dụng của chủ thể có thời hạn tối đa là tới cuối đời. Tức là cha mẹ sau khi cho con cái đất đai, vẫn có thể yên tâm sống ở trên nhà và đất đó mà không sợ con cái bất hiếu đuổi ra khỏi nhà.

Vậy có thể áp dụng quyền hưởng dụng vào việc lập di chúc không, thưa Luật sư?

Nhiều gia đình có đất đai của ông bà tổ tiên để lại từ nhiều đời nay. Khi cha mẹ có nhiều con cái lập di chúc mà không muốn phân chia, muốn giữ mảnh đất được giữ nguyên vẹn làm một thể thống nhất thì cũng có thể áp dụng quyền hưởng dụng.

Cụ thể, cha mẹ lập di chúc để lại nhà đất cho tất cả những người con đứng tên trên sổ đỏ, nhưng trong đó trao quyền hưởng dụng nhà và đất này cho một người con nhất định. Đồng thời giao cho người này phải có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ và phụng sự việc thờ cúng sau này. Nếu sau này người con có vi phạm nghĩa vụ, thì cha mẹ hoặc những người con khác là đồng chủ sở hữu sau thời điểm chia thừa kế có thể khởi kiện yêu cầu tòa án tước bỏ quyền hưởng dụng của người này.

Xin cảm ơn Luật sư!