Tìm nguyên nhân một số vụ tự tử của học sinh
Lẽ ra không dẫn tới kết cục buồn làm đau lòng cha mẹ và những người thân, nếu như các em biết tạo cho mình một sức “đề kháng” trước những cú sốc lớn về mặt tình cảm hoặc có được một chỗ dựa thực sự tin cậy để có thể trút bỏ mọi nỗi ưu phiền.
Bên cạnh các lý do như: áp lực thi cử, học hành; những bất ổn khủng hoảng trong đời sống gia đình, một số vụ tự tử của học sinh thời gian qua có nguyên nhân liên quan đến những bất ổn, rạn nứt trong quan hệ tình cảm khác giới.Những cái chết tức tưởi, bất ngờ xuất phát từ sự bất thành của những mối tình tuổi học trò có chiều hướng gia tăng khiến dư luận xã hội không khỏi quan ngại.
Từ những cái chết thương tâm
Có thể kể ra đây một số vụ việc đau lòng đó: lúc 3 giờ sáng ngày 15 tháng 2 năm 2008, em Hoài Thương, nữ sinh lớp 11 Trường THPT Dân lập Lê Quý Đôn quyên sinh ở cầu Bến Thủy, gần 12 tiếng sau mới tìm thấy xác. Trước khi tìm đến cái chết, Hoài Thương đã nhắn tin, gọi điện cho nhiều người thân, bạn bè. Trong đó có cuộc điện thoại dài với người bạn trai đang theo học ở Hà Nội. Trong bức thư tuyệt mệnh mà Thương để lại cho gia đình, em đã bày tỏ sự thất vọng vì thiếu sự thấu hiểu, thông cảm từ phía gia đình, nhà trường. Một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra: 4 giờ chiều ngày 4 /10/2008, Nguyễn Sỹ Đạt, học sinh lớp 12A3 chuyên Lý, Trường THPT Phan Bội Châu cũng tìm đến cầu Bến Thủy để tự tử. Sự ra đi bất ngờ của Đạt đã làm cho bạn bè, thầy cô, gia đình không khỏi bàng hoàng, xót xa bởi từ trước đến nay, Đạt vốn là một học sinh có học lực tốt, hạnh kiểm tốt. Được biết, Đạt còn là một tay vợt cầu lông xuất sắc từng giành chức vô địch cầu lông khối THPT toàn tỉnh. Theo những người thân và bạn bè của Đạt cho biết, cái chết của em có liên quan đến câu chuyện tình cảm; một số mâu thuẫn, xích mích đã xảy ra và không tự tìm được cách giải quyết. Trước khi quyên sinh, Đạt cũng đã nhắn tin cho nhiều người thân, bạn bè. Tuy nhiên, khi mọi người tất tả, đổ xô đến cầu Bến Thủy thì sự việc đã quá muộn màng.
Không chỉ ở Nghệ An mà ở nhiều địa phương khác cũng đã xảy ra những vụ tự sát hay ngộ sát vì thất vọng trong tình yêu của lứa tuổi học trò. Nguyên nhân trực tiếp gây ra những chuyện đau lòng đó là do các em, nhưng nếu nhìn sâu xa hơn thì phải thấy người lớn có trách nhiệm trong đó, nói rộng ra là cả gia đình, nhà trường và các đoàn thể xã hội đều có trách nhiệm trong sự cố này.
Có nên cấm “chuyện tình cảm” ở lứa tuổi học sinh?
Có thể nhận thấy trong những vụ việc đau lòng, đáng tiếc nêu trên, những người “trong cuộc” đã rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi không có được chỗ dựa vững chắc về mặt tâm lý. Những rạn nứt, mâu thuẫn trong tình cảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng về mặt tâm lý, không tìm thấy lối thoát. Và, tìm đến cái chết được các em lựa chọn như là một giải pháp để giải tỏa nỗi ưu tư đang trĩu nặng trong lòng. Có thể sẽ không có những kết cục buồn nếu như các em tạo được cho mình một sức “đề kháng” trước những cú sốc lớn về mặt tình cảm hoặc có được một chỗ dựa thực sự vứng chắc để có thể trút bỏ mọi nỗi ưu phiền.
Một thực tế đang diễn ra là trong nhịp sống hối hả của cuộc sóng hiện đại ngày nay, cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị kết nối như: điện thoại di động, internet… thì học sinh, nhất là lứa tuổi mới lớn có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp xúc, tìm hiểu bạn khác giới. Việc nảy sinh những rung động, tình cảm ở lứa tuổi dậy thì là điều tất yếu. Trước thực tế đó, thay vì cung cấp những kiến thức về giới tính, về tình bạn, tình yêu trong sáng, lành mạnh thì một số vị phụ huynh lại tỏ thái độ phản ứng gay gắt, cấm đoán quyết liệt khi phát hiện con em mình có dấu hiệu xuất hiện tình cảm với bạn khác giới. Họ cho rằng đó chỉ là “trò yêu đương nhảm nhí”! ở nhà truờng, phần lớn giáo viên đều tỏ thái độ phản đối, không đồng tình, thiếu sự đồng cảm, sẻ chia khi phát hiện học trò của mình “dính” vào “chuyện tình cảm”. Không nhận được sự định hướng đúng mức, những học sinh sớm dấn thân vào “đường yêu” thường phải tự xoay sở, ứng phó khi “nội tình” phát sinh những rạn nứt, đổ vỡ. Do tình cảm bồng bột và thiếu độ “chín” về kinh nghiệm sống, một số học sinh đã tìm đến cái chết như là sự trốn chạy hoàn cảnh thực tại.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Trong nhà trường, nhất là ở bậc THPT, bộ phận y tế học đường cần được trang bị những kiến thức nhất định về sức khỏe tâm lý tuổi mới lớn để có thể sẵn sàng hỗ trợ tư vấn cho học sinh khi cần thiết. Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, nhất là Đoàn thanh niên cần có nhiều hơn những hoạt động, phong trào lồng ghép, sân khấu hóa… để góp phần hình thành cho học sinh những kiến thức cơ bản về giới tính, quan niệm tình bạn, tình yêu trong sáng lành mạnh. Cần tạo môi trường học tập thực sự thân thiện, gần gũi, thầy trò, bè bạn, tạo ra chỗ dựa để mỗi học sinh có thể bộc bạch, sẻ chia mỗi khi gập phải những vấn đề khúc mắc trong đời sống tình cảm. Tóm lại, những vụ tự tử đáng tiếc của học sinh lẽ ra có thể được ngăn ngừa bằng sự gần gũi và hỗ trợ kịp thời từ phía nhà trường, gia đình và xã hội.
Bùi Minh Tuấn
Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An
LTS Dân trí - Hằng năm, ở không ít địa phương, vẫn thường xảy ra những vụ tự tử rất thương tâm ở lứa tuổi học trò. Đấy là lứa tuổi vừa mới lớn thường nông nổi, chưa biết nghĩ trước nghĩ sau, cũng là tuổi dễ sa đà vào chuyện yêu đương. Nếu người lớn bình tâm nhớ lại thì bản thân mình ngày xưa cũng thế. Vậy thì tại sao chúng ta hay “quan trọng hóa” mà không biết dùng những lời khuyên can nhẹ nhàng, có sức thuyết phục và phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Chúng ta không nên ngăn cấm chuyện yêu đương của con em mà chỉ nên hướng dẫn con đường cần lựa chọn, để không ảnh hưởng đến học tập cũng như tương lai lâu dài.
Nếu cha mẹ luôn gần gũi con cái cũng như nhà trường đúng là môi trường thân thiện, thầy cô giáo luôn quan tâm đến những hiện tượng bất thường của học trò, thì chắc chăn chúng ta ngăn chặn được những tình huống đáng tiếc xảy ra đối với con em mình, học trò mình.