Bạn đọc viết:
Thực tập và những hạn chế
(Dân trí) - Thực tập là một khâu quan trọng trong quá trình học, giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, có một số nhà trường, cơ quan tiếp nhận sinh viên thực tập chưa thực sự quan tâm, coi trọng vai trò của quá trình thực tập.
Mặt khác, về phía các cơ quan tiếp nhận thực tập (Cơ quan nhà nước, hoặc các doanh nghiệp tư nhân) cũng cho rằng sinh viên thực tập chẳng làm được gì hoặc không giao cho họ những công việc phù hợp với khả năng chuyên môn của sinh viên khi được học trên giảng đường. Điều đó gây cho sinh viên tính trì trệ, không năng động, đồng thời không giúp sinh viên đạt được mục tiêu lớn nhất khi đi thực tập đó là vận dụng những lý thuyết học được áp dụng vào thực tiễn.
Thực tập như... đi chơi
Vương Thị Hà (sinh viên trường Đại học Vinh) cho biết: “Trước khi đi thực tập tớ háo hức lắm vì xin được vào một Sở thực tập, cũng nghĩ rằng về quê sẽ được tạo điều kiện thuận lợi, nhưng sau một tháng trời đi thực tập tớ chỉ ngồi một chỗ mà không làm gì, lâu lâu lại được sai đi photo văn bản, sai đi mua đồ ăn sáng... được vài ba hôm như thế tớ cũng không muốn đến nữa, nhưng không đến thì lại thấy lo nên cứ thi thoảng lại đến cho họ thấy mặt”.
Được biết, chuyên ngành mà Hà đang theo học là ngành Luật, chính xác là luật kinh tế, vậy mà cô bạn không hề được tiếp xúc với những vụ án gì có dính dáng đến luật kinh tế, có thể nói là “học một đằng, làm một nẻo”.
Trường hợp của bạn Hà không phải là ít, đặc biệt là những sinh viên học các ngành của khối xã hội, lý thuyết thì nhiều nhưng thực tế, kinh nghiệm chẳng được bao nhiêu khi đi thực tập.
Nguyễn Anh Thư (sinh viên năm cuối trường Đại học Công Đoàn, ngành công tác xã hội) chia sẻ: “Ông Phó phòng nơi tớ thực tập nói thẳng luôn là không cần phải đến nhiều vì cũng không có việc gì để làm cả, cần nhận xét như thế nào thì tôi sẽ nhận xét cho như thế.”
Đối với những sinh viên trì trệ, lười biếng thì nghe được những lời như thế chắc hẳn sẽ vui mừng và sung sướng. Thế nhưng, còn có rất nhiều những sinh viên mong muốn được học hỏi, được trải nghiệm những công việc mà sau khi ra trường sẻ phải làm chứ đâu phải là ngồi một chỗ rồi chờ những nhận xét hay ho từ phía các đơn vị thực tập.
Thực tập cũng phải quen biết
Ít sinh viên nào tự liên hệ chỗ thực tập, hoặc liên hệ thực tập nơi mà không quen biết. Đa phần, những chỗ sinh viên thực tập đều là những chỗ quen biết, hoặc nhờ người khác để quen biết, mục đích chính vẫn là để có một kết quả nhận xét cho “ đẹp”.
Bạn Hà chia sẻ: “Trước khi đến chỗ thực tập, bố tớ phải dẫn tớ đến nhà ông Phó Giám đốc sở, may mà ông ấy cũng có quen biết với bố mình nên ông ấy vui vẻ nhận, tớ nghe nói nếu không quen biết thì phải quà cáp, chạy vạy, vất vả lắm…”
Điều đó cũng không phải là việc gì lạ lẫm, thực tế, có nhiều trường hợp nếu không phải là con em của ai đó trong cơ quan (nơi sinh viên đang thực tập) thì rất dễ bị bắt bẻ, xin số liệu để viết báo cáo cũng rất khó khăn. Đây là tình trạng chung của hầu hết các sinh viên đi thực tập.
Báo cáo chỉ là… “báo láo”
Không ít những số liệu, thông tin trong các bài báo cáo dài hàng chục trang đều được một số sinh viên thực tập coppy về từ trên mạng. Tệ hơn nữa, họ được chính các cơ quan thực tập cho hẳn cả bài báo cáo, sinh viên chỉ việc sửa họ tên và mang đi nộp. Thực tế là vậy, nhà trường cũng không phải hoàn toàn không biết, sinh viên thì quá rõ. Nhưng năm này qua năm khác tình trạng đó vẫn cứ tiếp diễn. Thử hỏi chất lượng sinh viên sẽ như thế nào nếu tình trạng đó vẫn cứ đều đặn diễn ra?
Đa số mọi người cho rằng phía đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập coi nhẹ khả năng của sinh viên, không dám cho sinh viên thử sức với công việc để sinh viên có thể rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp của mình.
Còn sinh viên, không dám lên tiếng phản hồi với đơn vị thực tập, sợ làm mất lòng đơn vị nơi mình thực tập, cứ “nhắm mắt làm ngơ” để rồi kết thúc một kỳ thực tập mà không mang lại điều bổ ích gì cho bản thân. Sau những trang viết dài dằng dặc lại rất ít những trăn trở, những hiểu biết của sinh viên về vấn đề mình vừa báo cáo.
Thiết nghĩ thực tập là quá trình hết sức quan trọng, vậy mà cả sinh viên và phía các cơ quan tiếp nhận sinh viên thực tập đều không thực hiện đúng với vai trò của thực tập. Hy vọng, có được sự nhìn nhận lại vấn đề này một cách nghiêm túc hơn.
Vương Điệp