Tư vấn pháp luật:
Thủ tục tham gia BHXH bắt buộc và chuyển bảo hiểm như thế nào?
(Dân trí) - Em muốn hỏi thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc? Em làm việc tại công ty A và đóng bảo hiểm được 4 tháng, em chuyển sang công ty khác thì việc chuyển bảo hiểm sẽ như thế nào? (Bạn đọc có email: ntmantc@yahoo.com.vn)
Thứ nhất, về hồ sơ tham gia bảo hiểm :
Tại khoản 1 Điều 110 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
Tờ khai cá nhân của người lao động theo mẫu do tổ chức bảo hiểm xã hội quy định;
Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do người sử dụng lao động lập;
Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động đối với người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu; hợp đồng lao động đối với người sử dụng lao động là cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động.”
Như vậy, về hồ sơ đối với người lao động phải có tờ khai theo mẫu, đồng thời người sử dụng lao động lập danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động (nếu người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu), ngoài ra người sử dụng lao động phải nộp Hợp đồng lao động cho cơ quan bảo hiểm trong hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, về trình tự thủ tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội :
Tại mục IV Quyết định 902/2007/QĐ-BHXH ngày 26 tháng 6 năm 2007 quy định Trình tự, thủ tục tham gia, đóng BHXH, BHYT như sau :
- Đối với người sử dụng lao động tham gia BHXH,BHYT lần đầu :
“1.Người lao động: Căn cứ hồ sơ gốc của mình (quyết định tuyển dụng, quyết định nâng lương hoặc hợp đồng lao động...) kê khai 03 bản “Tờ khai tham gia BHXH, BHYT bắt buộc”( có mẫu do cơ quan bảo hiểm xã hội ban hành)nộp cho người sử dụng lao động; trường hợp đã được cấp sổ BHXH thì không phải kê khai mà chỉ nộp sổ BHXH.
2. Người sử dụng lao động:
2.1. Kiểm tra, đối chiếu Tờ khai tham gia BHXH với hồ sơ gốc của từng người lao động; ký xác nhận và phải chịu trách nhiệm về những nội dung trên Tờ khai của người lao động.
2.2. Lập 02 bản “Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc” (có mẫu của cơ quan bảo hiểm xã hội ban hành)và bản sao quyết định thành lập hoặc chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì nộp bản hợp đồng lao động.
2.3. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng, người sử dụng lao động phải nộp toàn bộ hồ sơ theo quy định đã nêu ở trên và sổ BHXH của người lao động (nếu có) cho cơ quan BHXH...”
- Đối với người sử dụng lao động đang tham gia BHXH, BHYT
“Tăng, giảm lao động hoặc thay đổi căn cứ đóng BHXH, BHYT trong tháng.
Người sử dụng lao động: Lập 02 bản "Danh sách điều chỉnh lao động và mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc" (có mẫu do cơ quan Bảo hiểm xã hội ban hành) kèm theo hồ sơ như: Tờ khai, quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển, nghỉ việc, thôi việc hoặc hợp đồng lao động, quyết định tăng, giảm lương, thẻ BHYT (nếu có), nộp cho cơ quan BHXH trước ngày 20 của tháng. Các trường hợp tăng, giảm từ ngày 16 của tháng trở đi thì lập danh sách và thực hiện vào đầu tháng kế tiếp”.
Như vậy, đối với đơn vị tham gia đóng bảo hiểm xã hội lần đầu thì người lao động căn cứ vào hồ sơ gốc (Hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng...) để kê khai tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và người sử dụng lao động có trách nhiệm đối chiếu kê khai tờ khai, ký xác nhận và nộp đầy đủ hồ sơ tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động gửi Cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Đối với đơn vị đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội, hàng tháng có trách nhiệm báo cáo Cơ quan bảo hiểm xã hội về việc tăng giảm lao động tại đơn vị, lập danh sách điều chỉnh lao động và mức đóng theo mẫu cơ quan Bảo hiểm xã hội ban hành, kèm theo tờ khai, quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển, nghỉ việc...
Trường hợp của bạn, nếu đang làm việc tại một doanh nghiệp, đã đóng bảo hiểm được 4 tháng và nay xin chuyển sang cơ quan khác. Trước khi sang cơ quan mới làm việc, bạn cần hoàn tất các thủ tục chốt sổ Bảo hiểm xã hội tại cơ quan cũ, việc này sẽ do Cơ quan cũ lập danh sách gửi đến Cơ quan bảo hiểm xã hội và thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội, đồng thời có trách nhiệm chuyển bảo hiểm xã hội của bạn sang cơ quan mới và giao sổ cho bạn, để bạn nộp sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan mới. Cơ quan này sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho bạn. Khi chuyển sang cơ quan mới làm việc, bạn không phải kê khai tờ khai tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Cơ quan mới sẽ căn cứ vào Hợp đồng lao động của bạn và công ty hoặc Quyết định tuyển dụng để điều chỉnh lao động tăng giảm tại đơn vị. Thời gian đóng bảo hiểm ở doanh nghiệp cũ được tính vào tổng thời gian đóng bảo hiểm của người lao động khi làm thủ tục hưu trí sau này.
Luật sư Ngô Thị Lựu
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: www.luatdaiviet.vn
Ban Bạn đọc