Thư ngỏ gửi ông Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu

Độc giả Lê Văn Lục đề xuất, các bệnh viện lớn nên lập 1 trung tâm dịch vụ liên kết thông tin lịch trình khám bệnh giữa người bệnh và bệnh viện để bệnh nhân biết lịch hẹn khám/ chữa trị chính xác để khỏi phải đi lại nhiều lần vất vả, tốn kém.

Xin được tự giới thiệu tôi là Lê Văn Lục, kỹ sư xây dựng hiện đang thường trú tại 46 H 21 Ngõ 147 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội. ĐT: 04.2113188 - 0948655988. Tôi quê ở Thanh Hóa và nay đang làm việc tại Công ty Xây dựng thương mai & dịch vụ Long Phát.

 

Tôi xin được trình bày sự việc cụ thể như sau:

 

Tôi có ông anh họ là Lê Văn Châm, 25 tuổi, bị chấn thương sọ não cách đây 2 năm và được chữa trị tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội). Sau khi chữa trị xong và bệnh viện cho về đến bây giờ hình ghép sọ bị lún sâu nên anh ấy phải ra bệnh viện Việt Đức chỉnh sửa (chỉnh hình và kiểm tra lại bộ sọ và não, vì trí nhớ bị suy giảm).

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Từ quê Thanh Hóa ra bệnh viện thì luôn phải có mấy người nhà đi theo. Nhưng bệnh viện luôn ở trong tình trạng quá tải nên đã hẹn đi hẹn lại hết tuần này đến tuần khác; đến tuần thứ 4 (lần 4) mới được khám và điều trị.

 

Vậy là ít nhất 2, có khi đến 3 người đi cùng đến 4 lần như vậy từ Thanh Hoá ra Hà Nội. Với giá cả đắt đỏ như bây giờ dù có tiết kiệm tiền đi lại, ăn uống bắt xe ôm, tính ra mỗi người mất 250.000 đồng; chi phí cho cả 3 người thì hết 750.000 đồng (Bảy trăm năm mươi nghìn đồng) .

 

Vậy chi phí khi có kết quả được chấp nhận vào viện điều trị bệnh chính thức thì người bệnh và người nhà đã mất 4.000.000 đ (Bốn triệu đồng chẵn), tương đương gần 2 tấn thóc mà cả nhà một nông dân nghèo như nhà bố mẹ anh Lê Văn Châm làm cả năm trời mới có được. Trường hợp anh Châm chỉ là 1 ví dụ điển hình thôi. Vì tôi đã từng được tâm sự với rất nhiều bệnh nhân nghèo có cảnh tương tự. Có nhiều người ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh còn xa hơn ở Thanh Hoá, vậy là chi phí còn gấp bao nhiêu lần nữa. Ở lại để đỡ đi lại nhiều lần nhưng giá cả thuê trọ ăn uống ở Hà Nội thì làm sao mà những người nghèo có thể chịu nổi.

 

Tôi tâm sự với những người nhà bệnh nhân và đều nhất trí nếu có 1 trung tâm dịch vụ liên kết thông tin lịch trình khám bệnh giữa người bệnh (hoặc người nhà bệnh nhân) và bệnh viện để biết lịch hẹn chính xác để khỏi phải đi lại nhiều lần vất vả, tốn kém thì dù có mất lệ phí giao dịch cũng rẻ và tiện lợi hơn nhiều (Vì hầu như bây giờ đâu cũng có điện thoại). Mọi người đều tán thành và mong đợi như vậy.

 

Như ví dụ trên trường hợp của anh Châm phải chờ đợi cho đến khi khám được bệnh thì dù có mất 400.000 đồng cho phòng giao dịch liên kết giữa người bệnh và bệnh viện còn hơn phải mất 4 triệu đồng.

 

Hằng ngày, có hàng trăm người bệnh ở các vùng quê khác nhau phải chờ đợi như vậy. Nếu cứ nhân với con số 4 triệu đồng thì tốn phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Bởi vậy giải pháp đưa ra rất đơn giản là thành lập 1 phòng thông tin liên lạc lấy lịch sắp xếp thời gian chính xác cho người bệnh; khi người bệnh cần thông tin lịch khám của mình thì thông qua điện thoại liên lạc với trung tâm (hoặc phòng) thông tin dịch vụ của bệnh viện.

 

Trên đây là một đề xuất nhỏ thu thập từ ý kiến của nhiều người bệnh cũng như người nhà của họ, rất mong được ông Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như lãnh đạo các bệnh viện lớn nên xem xét và giải quyết để giảm bớt khó khăn cho nhiều người bệnh và nếu lên phương án tính toán cụ thể thì thấy rằng đấy cũng là biện pháp tiết kiệm được một số tiền khá lớn trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn.

 

Lê Văn Lục

 

LTS Dân trí - Đề xuất trên đây có ý nghĩa thiết thực nhằm khắc phục tình trạng người bệnh phải chờ đợi quá lâu hoặc phải đi lại nhiều lần rất vất vả và tốn kém để đến lượt được khám và điều trị ở các bệnh viện tuyến trung ương. Nếu được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế thì việc lập ra một trung tâm (hoặc phòng) dịch vụ tại những bệnh viện lớn để làm công việc giao dịch giữa người bệnh và bệnh viện qua điện thoại hoặc email là có thể thực hiện được và không tốn thêm kinh phí vì tự trang trải bằng tiền dịch vụ thông tin cho người bệnh.

 

Mong rằng ý kiến đề xuất trên đây được lãnh đạo Bộ Y tế xem xét và có cách giải quyết phù hợp để góp phần khắc phục khó khăn cho người bệnh, nhất là những người ở xa, ở những vùng nông thôn còn rất nghèo.