GS. VS Phạm Song:
Thành thật với người là thành thật với mình
Muốn người ta nói thật thì trước hết, mình phải thật lòng muốn nghe sự thật và dám nói ra sự thật. Vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói một ý rất hay là tiếp xúc với trí thức thì không cần phải treo biển. Đó là tôn trọng trí thức thật lòng.
GS. VS Phạm Song - Chủ tịch Tổng hội Y Dược Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Y tế
Thế nhưng hiện nay, điều buồn là người ta hay lảng tránh sự thật ngay trong ngôn ngữ. Ví dụ như làm dối, báo cáo gian lại gọi là “bệnh thành tích”. Ăn cắp của công gọi là tham ô, tham nhũng... Những điều tưởng như nhỏ nhặt này nhưng rất nguy hại vì nó góp phần xoa dịu, làm nhẹ đi bản chất của sự việc. Rồi một số nơi, nhà quản lý không muốn, thậm chí khó chịu với lời nói thật. Điều đó cũng có nghĩa là người trung thực ít nhất là không được trọng dụng.
Ngày xưa, trong triều đình có chức gián quan do những người trung thực, ngay thẳng đảm nhiệm. Bây giờ cũng có những người làm việc tương tự nhưng vấn đề là họ có nói thật không và lời nói thật của họ có được tôn trọng không. Kẻ sĩ luôn nhìn thấy những điều có thể xảy ra nên họ thường có tâm trạng bất an, lòng không yên ổn. Rồi cảm giác mắc nợ nhân dân, mắc nợ dân tộc, mắc nợ cả nhân loại nên họ luôn bị giằng xé nếu không được nói ra những suy nghĩ thành thật của mình.
Theo Bùi Hoàng Tám - Nguyễn Kim Khánh
Nhà báo và Công luận