Bạn đọc viết:

Tản mạn từ vụ 3 giáo viên ẩu đả dẫn đến chết người

(Dân trí) - Thời gian qua, báo chí đưa không ít tin về những vụ vi phạm pháp luật hình sự của nhà giáo. Có người cho rằng đó cũng là chuyện bình thường thôi, vì suy cho cùng thì nhà giáo cũng là con người.

Tản mạn từ vụ 3 giáo viên ẩu đả dẫn đến chết người - 1
Chỉ vì can ngăn một vụ xô xát, một người đàn ông ở TP Vinh (Nghệ An)
 đã bị bắn 100 phát đạn hoa cải vào người.
 
Thực tế buồn
 
Đồng ý, nhà giáo cũng là người nhưng đây là những người đặc biệt hơn những người bình thường, vì họ đã là người thầy, họ có thiên chức của người thầy. Nên chuyện có không ít nhà giáo vi phạm pháp luật hình sự và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, có thể coi là báo hiệu sự hư hỏng của một số ít nhà giáo làm ảnh hưởng đến hình ảnh cao đẹp của người thầy và làm cho xã hội quan ngại.

Điểm lại những gì báo chí đã nêu, ta thấy những nhà giáo vi phạm pháp luật này có ở nhiều địa phương, trong tất cả các cấp học, ngành học. Có người là giáo viên mẫu giáo, có người là giáo viên phổ thông, có người là giáo viên trường nghề, trường năng khiếu, giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Có người là nữ, có người là nam; có người là giáo viên thường, có người là cán bộ quản lý, thậm chí có người đã được phong giáo sư… Có người chỉ mới giảng dạy vài năm, nhưng cũng có người có tuổi nghề và tuổi đời thuộc vào loại “cây cao bóng cả”.

Về hình thức vi phạm thì đủ các loại, các cấp độ. Từ hành hạ, đánh đập học sinh gây tổn hại sức khỏe, hối lộ (cả bằng tiền và bằng tình), tham nhũng, tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác đến tàng trữ, buôn lậu ma túy, chống người thi hành công vụ, cướp của và cả giết người.

Là một nhà giáo tôi thật sự ghê sợ khi đọc tin hiệu trưởng trường tiểu học C Phước Long, xã Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) tổ chức nhậu nhẹt trong trường, phát sinh ẩu đả và dẫn đến án mạng làm một người chết, một bị thương. Vụ việc vừa mới xảy ra vào chiều ngày 24/6/2011, được đăng tải trên các báo vào rạng sáng ngày 25/6/2011.

Giữ tiếng thơm

Trước hết, do bản thân những người này thiếu rèn luyện, tu dưỡng và giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nhân cách của nhà giáo. Họ thiếu bản lĩnh của “kẻ sĩ” nên dễ bị tha hóa. Nhưng mặt khác, cũng phải thấy trách nhiệm của các cấp quản lý gíáo dục (QLGD), nhất là các nhà QLGD trực tiếp của họ.
 
Dường như bây giờ nội dung quản lý giáo viên chỉ dừng lại ở quản lý hành chính xung quanh mấy việc: giờ giấc, hồ sơ sổ sách. Hơn một chút là chất lượng giảng dạy trên các số liệu thống kê phục vụ thi đua… Còn những mặt khác của nhà giáo như sinh hoạt, lối sống, quan hệ trong gia đình, ở nơi cư trú với bạn bè, với xã hội thì các nhà QLGD có lẽ không cần quan tâm.

Chỉ trong một phạm vi rất nhỏ có thể đưa ra vài ví dụ: Một giáo viên (GV) nam sống như vợ chồng trong khi đã có vợ và 2 con với một người vốn là nữ nhân viên của trường mà ban giám hiệu (BGH) vẫn làm ngơ ,vì theo họ thì “vợ người ta không thưa kiện mắc mớ gì ?”. Và năm nào GV này cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến.

Có trường hợp cũng là GV nam, về nơi cư trú nổi tiếng trong giới cờ bạc bằng hình thức đá gà mà vẫn được chi bộ nhà trường kết nạp đảng. Cũng có GV nữ chửi nhau với gần như cả xóm vẫn được công nhận là GV “hai giỏi”. Số này tuy chỉ là cá biệt, nhưng ngày càng nhiều và góp phần không nhỏ làm xấu đi hình ảnh người thầy

Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chủ trương và chính sách xây dựng đội ngũ CBQLGD và nhà giáo; có nhiều văn bản pháp quy liên quan đến tiêu chuẩn về đạo đức, tư cách, phẩm chất, trách nhiệm của nhà giáo. Hai năm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã ban hành và triển khai cho toàn ngành quán triệt và thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo, nhưng xem ra chưa làm chuyển biến tình hình.
 
Vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT, các cấp QLGD và nhất là BGH ở từng trường cần có những biện pháp quyết liệt hơn để giữ tiếng thơm cho nhà giáo, nghề giáo.
Lê Minh Hoàng
(Trường THPT Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang)