Tiêu điểm:

Sông suối, núi rừng và một lá đơn

(Dân trí) - Liên tục trong mấy tuần qua, trên các trang báo đầy những thông tin về các doanh nghiệp đổ chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Không phải chỉ một mình Vedan, mà còn nhiều đơn vị khác, trải dài từ Bắc đến Nam, thi nhau tàn sát môi trường. Ở Đồng Nai, phát hiện thêm một Cty có công nghệ xả thải ngầm như Vedan; ở Bình Dương có nhà máy xử lý nước thải không xử lý nước thải; ở TPHCM có một Cty thuộc da gây ô nhiễm môi trường, ở Phú Thọ UBND tỉnh lờ di tích để Miwon tha hồ đổ nước thải gây ô nhiễm; các sông ngòi, kênh rạch ở ĐBSCL đều bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cùng với các doanh nghiệp, hầu hết các bệnh viện đều không có hệ thống xử lý nước thải, chôn rác thải y tế, bệnh phẩm, thậm chí là nội tạng bệnh nhân như chôn xác súc vật... Thật quá đỗi kinh hoàng.

Người dân sống trong nỗi bất an của tai nạn giao thông, trong điều kiện sống thiếu an toàn và trăm điều khốn khổ khác. Nhưng những thứ đó không gây nguy hiểm trên diện rộng và hậu họa lâu dài như hủy diệt môi trường.

Nguồn thức ăn, nước uống mà con người đang sử dụng hôm nay đã bị nhiễm độc. Nó không phải là liều thuốc độc để chết lập tức, mà tích lũy để đày đọa và tiêu diệt con người bằng các chứng bệnh. Cùng với các dòng sông bị bức tử, mỗi ngày rừng khắp nơi bị tàn phá, lâm tặc và người dân thi nhau đốn ngã dần từng mét vuông rừng. Cái mà chúng ta hứng chịu hôm nay sẽ là những cơn lũ trời giáng, những trận lụt hồng thủy. Cái để lại cho con cháu mai sau sẽ là những dòng sông chết và những ngọn đồi trọc.

Tội phạm môi trường rành rành ra đó, nhưng việc xử phạt không nghiêm nên tội phạm đang và sẽ tiếp tục lan tràn. Một người ăn cắp chiếc xe đạp, cướp một món đồ hay gây thương tích cho một người khác sẽ bị xử lý hình sự, còn những kẻ ăn cắp hàng trăm tỷ đồng từ tiền không xử lý nước thải, gây tổn hại sức khỏe cho cả cộng đồng, cho con người sống hôm nay và cả con cháu mai sau thì không xử lý hình sự. Đạo lý và pháp luật không nên cho phép có sự tồn tại bất công đó.

Việc tàn sát môi trường mấy chục năm qua xuất phát từ sự buông lỏng quản lý, sự bất lực và yếu kém của chính quyền các địa phương. Nhưng cứ mỗi khi phát hiện ra một vụ việc, các cơ quan đổ lỗi cho nhau, giải thích nguyên nhân và đùn đẩy trách nhiệm. Chưa một ai trong số hàng vạn quan chức có trách nhiệm dám đứng ra nhận lỗi thuộc về mình. May quá, vừa qua có ông trưởng thôn ở cái bản xa tít đâu đó của tỉnh Bắc Kạn viết đơn từ chức vì tự thấy không ngăn chặn được nạn phá rừng. Quan chức nước nhà có được một bàn danh dự trông thấy.

Lê Chân Nhân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm