Sinh viên trong ngõ hẻm
Đọc bài “Nghịch lý về những con hẻm” trên Diễn đàn Dân trí, tôi muốn thêm một tiếng nói để phản ảnh về nỗi khổ tâm của những sinh viên trọ học trong những con hẻm buộc phải sống trong nghịch cảnh của chốn “đô thị phồn hoa”…
Ở những thành phố lớn có nhiều trường đại học, không thiếu gì những con hẻm là chốn nương thân của những “người lao động ngoại tỉnh” và những sinh viên nghèo phải trọ học xa nhà. Có những con hẻm quanh co, với những căn nhà lụp xụp, ẩm thấp, tối tăm, nằm ngay sau những tòa nhà cao tầng, nhấp nháy nhiều loại đèn màu quảng cáo của khu phố mặt đường sầm uất, kinh doanh đủ các mặt hàng của thời buổi cơ chế thị trường. Đi từ trong ngõ hẻm ra, những sinh viên vốn từ vùng thôn quê ra thành phố phải chứng kiến hằng ngày cảnh sống tương phản giữa những người nghèo và người giầu với đủ mốt ăn chơi của chốn thị thành…
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Đối lập với những tòa nhà cao rộng, khang trang làm chốn ra vào cho khách hàng karaoke, là những gian nhà xóm trọ nghèo nàn của sinh viên, nằm ẩm thấp bên dưới và thiếu thốn mọi bề. Hằng ngày chúng tôi phải tự chống chọi với những tiếng ồn từ những phòng hát karaoke mở hết công suất dội sang cả ngày lẫn đêm; đấy là chưa kể những tiếng ồn từ đoàn xe máy của khách chạy nối tiếp nhau vào Kiệt. Nhiều lúc đi học hay bước chân ra khỏi xóm, đám sinh viên trẻ chúng tôi lại bị “khiêu khích” bởi những cô gái ăn mặc kiểu sexy như muốn phô bầy “của tự có” để chào hàng. Thậm chí nửa đêm đang ngồi tập trung học bài, mọi người bỗng giật mình chạy ra xem những trận đập nhau do uống quá chén, hoặc tranh nhau gái; lại còn tiếng rú ga, tiếng còi inh ỏi giống như kiểu đua xe ngoài đường…
Sinh viên phải đóng cửa để chống lại tiếng ồn
Chúng tôi phải sống trong điều kiện thiếu thốn đã đành, còn phải sống trong môi trường thiếu lành mạnh. Đấy là hoàn cảnh khách quan rất bất lợi đối với những sinh viên nghèo phải đi trọ học xa nhà. Sống trong môi trường như vậy, thật khó lường được hết những điều gì sẽ xảy ra đối với những sinh viên còn trẻ măng mới bước chân từ nông thôn ra thành thị. Chúng tôi chỉ mong nhà trường sớm xây dựng đủ ký túc xá cho sinh viên thuê với giá phải chăng để chúng tôi có môi trường học tập ổn định, đỡ chịu ảnh hưởng bởi những mặt trái của cơ chế thị trường,
Nhưng mong ước vậy thôi, còn điều đó bao giờ trở thành hiện thực? Xem ra còn xa vời lắm! Chắc sinh viên chúng tôi còn phải sống dài dài trong những cảnh làm ăn hỗn độn và thiếu sự quản lý của chốn đô thị phồn hoa. Đành phải tạo cho mình một loại “kháng thể” miễn nhiễm với những nghịch cảnh mắt thấy tai nghe hằng ngày.
Cũng chẳng biết trách ai. Đấy là con đường làm ăn của người ta mà. Là một sinh viên trẻ tuổi, tôi luôn tự nhủ: “sống với nhau ở trên đời phải có tấm lòng vị tha, bỏ qua những điều không vừa lòng, và kiên định con đường đi của mình”.
Phạm Tăng
Lớp báo chí k32 - khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Khoa học Huế
LTS Dân trí - Sinh viên từ các vùng nông thôn ra thành phố trọ học, đúng là phải chịu đựng nhiều “nghịch cảnh”, Bài viết trên đây mới chi phản ảnh một phần trong những nghịch cảnh ấy. Chính vì vậy mà không ít sinh viên bị rơi rụng dần sau mấy năm học.
Nhằm giảm bớt khó khăn cho những sinh viên nghèo phải trọ học xa nhà, nhất là những sinh viên vốn ở nông thôn, các trường đại học nên quan tâm nhiều hơn đến việc lo nơi ăn chốn ở giúp các em có thể yên tâm học tập và tránh những ảnh hưởng xấu do phải sống trong môi trường phức tạp ở chốn thị thành.