Sinh viên bị ép đi làm… công nhân trong kì kiến tập?

(Dân trí) - Trên danh nghĩa đi "trải nghiệm thực tế", một nhóm gần 50 sinh viên của Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1 đã được đưa đi làm công nhân tại một nhà máy của Foxconn thuộc hệ thống của Công ty Hồng Hải (Đài Loan) ở Bắc Ninh.

Khấu trừ 50% lương sinh viên đi làm để… nhà trường “chi phí”?

Vừa qua, báo điện tử Dân trí đã nhận được phản ánh về việc gần 50 sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1 (thuộc Đài tiếng nói Việt nam) "bị ép" đi làm công nhân, núp dưới danh nghĩa “trải nghiệm thực tế”.

Theo những thông tin PV Dân trí ghi nhận được thì sự việc gần 50 sinh viên của Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1 (thuộc Đài tiếng nói Việt nam) được đưa tới một nhà máy của Foxconn thuộc hệ thống của Công ty Hồng Hải (Đài Loan) là có thực.

Sinh viên bị ép đi làm… công nhân trong kì kiến tập?

Trước đó, hơn 50 sinh viên của trường này được đưa tới tỉnh Bắc Ninh kiểm tra sức khỏe. Một số sinh viên không đủ điều kiện sức khỏe được trả lại cho nhà trường, còn khoảng 50 sinh viên được đưa vào ở ký túc xá tại nhà máy của Foxconn (Hồng Hải) tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Đợt trải nghiệm này bắt đầu từ 4/4/2014. Mỗi sinh viên được hưởng phí “hỗ trợ trải nghiệm” là 2,7 triệu đồng/tháng.

Theo phản ánh của một số sinh viên, mặc dù chưa được học chuyên ngành nhưng trường đã đưa đi kiến tập dưới danh nghĩa “trải nghiệm thực tế”, nhà trường không tổ chức lấy ý kiến của sinh viên. Điều đặc biệt, các sinh viên này phải làm việc 8 giờ đồng hồ trong xưởng sản xuất thiết bị thu phát wifi. Không những vậy có sinh viên còn tố rằng, nhà trường đã cắt 50% số tiền “hỗ trợ trải nghiệm” của sinh viên để nhà trường … "chi phí" trong việc đưa sinh viên đi kiến tập.

Có rất nhiều câu hỏi nghi vấn đặt ra xung quanh vụ việc này: Tại sao trường lại đưa sinh viên đi thực tập tại công ty Foxconn mà không tổ chức lấy ý kiến của sinh viên, không cho sinh viên quyền quyết định? Vì sao sinh viên chưa học chuyên ngành đã bị đưa đi thực tập? Có hay không việc nhà trường "ép" tất cả sinh viên đến một nhà máy, thực chất là làm công nhân sản xuất thiết bị wifi? Liệu gần 50 sinh viên của trường có đang bị lợi dụng sức lao động nhằm phục vụ mục đích tư lợi của một số cá nhân?

“Chúng tôi cho đó là… hợp lý”

Trước nghi vấn về việc trường đã ép buộc sinh viên phải đi kiến tập theo hình thức làm công nhân, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền Hình 1 khẳng định: "Chúng tôi đã biết khi đưa các em sinh viên đi khó tránh được sự việc sẽ được đưa lên mặt báo vì có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhưng chúng tôi cho rằng việc làm đó là hợp lý. Chủ trương của nhà trường cũng như của Bộ là kết hợp với các doanh nghiệp. Nếu cứ để cho 1 lớp 50 sinh viên quyết định thì 50 ý kiến khác nhau. Chúng tôi trước đó đã triển khai xuống Khoa để lấy ý kiến. Sau đó mời phía doanh nghiệp xuống để phổ biến quy chế. Em nào muốn đi thì đi. Nếu cá nhân nào cho rằng chúng tôi tư lợi và ép buộc thì đó chỉ là sự phản ánh của một cá nhân cá biệt. Đó có thể là một cá nhân dao động sĩ diện, nhà có điều kiện. Tôi làm nghề giáo ở đây mấy chục năm tôi biết hết".

Trước câu hỏi đưa sinh viên đi kiến tập có đúng chuyên ngành hay không, ông Nguyễn Xuân Trường liên tục nhấn mạnh, việc làm của nhà trường rất "hợp lý" và là chủ trương "lý thuyết phải đi đôi với thực hành".

"Chúng tôi đang trên đường tốt đẹp, sinh viên rất hồ hởi. Có sinh viên hết một tháng còn muốn ở lại. Nói thực tôi còn muốn lên đó ngủ một đêm. Mời phụ huynh các em lên chơi ! Chỗ này là để cho những người yêu lao động, khao khát cuộc sống chứ không dành cho người có điều kiện", ông Trường khẳng định.

Cũng theo ông Trường, hiện sinh viên làm việc ở công ty có hai ca, một ca ngày và một ca đêm. Ca ngày từ 7h30 sáng 4h chiều. Ca tối từ 7h tối đến 4h sáng. Làm 2 tiếng sẽ có 10 - 15 phút nghỉ. Có 1 tiếng giải lao ăn cơm. Ai muốn tăng ca thì làm.

"Mọi người nên hiểu rằng, ngành điện tử viễn thông rất phù hợp với công việc này. Một tháng đầu các em đang sản xuất sản phẩm phát sóng Wifi, USB 3G xuất sang Mỹ và Pháp. Đó đều là những nước lớn cả. Hơn nữa, chúng tôi không đào tạo ra những người quản lý nên việc làm, sản xuất các thiết bị kỹ thuật cao như vậy là rất phù hợp", ông Trường cho biết.

Liên quan đến tố giác cho rằng nhà trường đã ép khấu trừ 50% số tiền hỗ trợ của sinh viên mặc dù sinh viên trước đó đã phải ký vào một biên bản cam kết “trải nghiệm” tại công ty Foxconn (Hồng Hải) được hưởng toàn bộ số tiền 2,7 triệu đồng/tháng, ông Trường cho biết: "Chúng tôi không cắt giảm cái gì của sinh viên. Tiền các em được hưởng như thế nào thì đúng như vậy".

Không dừng lại ở đây, ông Dương Văn Đoàn - giảng viên trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1 nhấn mạnh: "Tôi là người trực tiếp kết nối chương trình, được ban giám hiệu phân công. Tôi được phân công ở lại đó giám sát. Tôi đã vào tận phân xưởng. Không có chuyện sinh viên phải nộp lại 50% số tiền hỗ trợ trên”.

Tuy nhiên, lời khẳng định chắc "như đinh đóng cột" của cả ông Nguyễn Xuân Trường và ông Dương Văn Đoàn lại trái ngược với nội dung trong buổi nói chuyện “quán triệt” với các sinh viên đang tham gia “trải nghiệm thực tế” tại nhà máy Foxconn tại Bắc Ninh.

Theo tư liệu điều tra, trong buổi nói chuyện này, ông Dương Văn Đoàn đã nói rõ với các sinh viên đi "trải nghiệm thực tế": chỉ được sử dụng 50% số tiền lương do nhà máy chi trả. 50% còn lại sinh viên phải chia sẻ với nhà trường để chi trả với bên B (nhà máy Foxconn) và nhiều chi phí phát sinh.

Ông Dương Văn Đoàn nói chuyện với các sinh viên tại nhà máy Foxconn
Ông Dương Văn Đoàn nói chuyện với các sinh viên tại nhà máy Foxconn.

Cụ thể, ông Đoàn nói: "Tôi phải nói để các em hiểu và ủng hộ chính sách của nhà trường. Tôi phải nói rõ nếu đứng về luật thì công ty không trả cao như vậy (2.7 triệu đồng - PV) cho các em. Và họ cũng không tìm đối tượng là các em. Cho nên các em phải hiểu đó là vấn đề rất "tế nhị". Tôi không giấu các em về các chi phí phát sinh để đưa các em đi. Cộng tất cả các khoản chi phí cho "cỗ máy" lên đó nó đã chiếm một nửa số 2,7 triệu các em thu được. Đây là kết quả cuối cùng bộ phận tài vụ báo lại cho hiệu trưởng mới đây".

Chưa hết, ông Đoàn còn nhấn mạnh: "Thầy hiệu trưởng có nói rất rõ. Tôi thay mặt để quán triệt điều này cho các em hiểu. Tôi rất muốn các em hiểu và tế nhị vấn đề này. Chuyện đó là chuyện rất bình thường. Việc làm của các em có lợi cho bản thân của các em và có lợi cho cả nhà trường. Nhưng bên cạnh đó, phải chi trả cho nhà trường. Thầy hiệu trưởng mong các em hiểu và hỗ trợ".

Ông Đoàn còn "hướng dẫn" các sinh viên tại nhà máy Foxconn cách "giải quyết" vấn đề "tế nhị" khi sinh viên bức xúc việc bị trừ 50% lương không rõ ràng: "Cách thức thực hiện là khi bên B (nhà máy Foxconn - PV) trả tiền của các em ở cây ATM, các em "chỉ có quyền" tiêu một nửa (50%) của các em. Còn 1 nửa, các em phải chuyển cho giáo viên hướng dẫn của trường. Giáo viên sẽ làm thủ tục dưới phòng tài chính để xử lý việc đó. Nhà trường không hề có một chút lợi nhuận nào. Tôi nhấn mạnh để các em thông suốt, tham gia trọn vẹn trước sau. Tôi biết các em có những vấn đề chưa thoải mái nhưng các em cứ coi đó là một chuyện bình thường".

Xuân Ngọc