Dự án bảo tồn nhà vườn cổ Hà Nội:

Quận Hoàn Kiếm “bỏ quên” quyền lợi người dân

(Dân trí) - Sau 3 tháng chờ đợi, các hộ dân sinh sống trong khu nhà vườn 115 Hàng Bạc cũng nhận được câu trả lời của UBND quận Hoàn Kiếm liên quan đến quyền lợi của họ. Tuy nhiên, việc giải quyết này chưa thỏa đáng, quyền lợi của người dân bị “bỏ quên”.

Ngôi nhà vườn số 115 Hàng Bạc (cổng sau số 6 Đinh Liệt) thuộc phường Hàng Bạc, quân Hoàn Kiếm trước đây thuộc sở hữu tư nhân của cụ Phạm Văn Thanh, cùng vợ là Phạm Thị Tề. Sau năm 1955, ngôi nhà vườn được nhà nước đưa vào diện cải tạo. Chủ sở hữu tư nhân (cụ Phạm Thị Tề) sử dụng toàn bộ tầng 2 và 2 căn buồng tầng 1, nhà nước quản lý phần còn lại tầng 1 và cho 5 hộ dân thuê lại theo giá quy định của nhà nước.
 
Khu nhà vườn cổ nằm trong dự án bảo tồn (Ảnh: Ngọc Cương)
Khu nhà vườn cổ nằm trong dự án bảo tồn (Ảnh: Ngọc Cương)

Phục vụ cho dự án Bảo tồn của UBND thành phố Hà Nội, năm 2010, UBND thành phố đã đưa khu nhà vườn cổ số 115 Hàng Bạc (mặt sau là số 6 Đinh Liệt) vào diện cần được bảo vệ. Cùng với quyết định đưa vào diện bảo tồn, UBND quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân đang sinh sống tại tầng 1 khu nhà vườn.

Khi có chủ trương, cụ Phạm Thị Tề và những hộ dân đang sinh sống đều ủng hộ kế hoạch bảo tồn khu nhà vườn cổ trở thành khu di tích văn hóa của thành phố. Các gia đình chỉ mong muốn nhà nước sẽ có chính sách đãi ngộ phù hợp, giúp các hộ gia đình đang sinh sống tại đây sớm ổn định điều kiện ăn ở. Tuy nhiên, điều mong mỏi này cho đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
 
Cụ Phạm Thị
Cụ Phạm Thị Tề trao đổi cùng Trưởng ban Bạn đọc Vũ Văn Tiến
(Ảnh: Ngọc Cương)
Sau khi UBND quận Hoàn Kiếm công bố kế hoạch giải phóng mặt bằng, do có nhiều điểm chưa thấu tình đạt lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nên cụ Phạm Thị Tề và các hộ dân đang sinh sống tại khu nhà vườn cổ đã gửi đơn khiếu nại đến UBND quận Hoàn Kiếm vào đầu tháng 4/2012.
 
Các hộ dân nêu ra hàng loạt thắc mắc về quyền lợi liên quan, trong đó tập trung vào 3 vấn đề cơ bản: Công khai dự án bảo tồn và mục đích sử dụng sau thu hồi. Xem xét lại mức giá đền bù các hộ dân được nhận là 43,3 triệu đồng/m2. Xem xét lại phần diện tích thuộc sở hữu tư nhân đã được ghi nhận đầy đủ trong trích lục địa chính và những giấy tờ liên quan mà cụ Phạm Thị Tề đang có...
 
Ngày 6/7/2012, UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội ký văn bản số 530/UBND - BBTGPMB trả lời thắc mắc mắc của những hộ dân đang sinh sống tại khu nhà vườn 115 Hàng Bạc. Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng cách giải thích của UBND quận Hoàn Kiếm nêu trong văn bản trả lời là không thỏa đáng, không đảm bảo đủ quyền lợi của dân.
 
Văn bản trả lời bị xem là không thỏa đáng của UBND quận Hoàn Kiếm
Văn bản trả lời bị xem là không thỏa đáng của UBND quận Hoàn Kiếm
 (Ảnh: Ngọc Cương)

Theo đại diện các hộ dân cho biết, UBND quận đã không công khai việc thu hồi mặt bằng phục vụ dự án nào? Mục đích sử dụng sau khi trùng tu ra sao? Khu nhà vườn sau cải tạo do ai quản lý?. Trong khi đó việc nắm bắt thông tin quy hoạch là quyền lợi chính đáng được nhà nước quy định rõ. Mức giá đền bù 43,3 triệu đồng/m2 không sát với giá trị thực tế khu Hàng Bạc - Đinh Liệt. Với mức đền bù chỉ vài trăm triệu/hộ, các hộ dân sẽ không thể tìm được nơi ở mới thời điểm này.

Liên quan đến việc UBND quận Hoàn Kiếm đưa 2 căn phòng thuộc tầng 1 mà anh Phạm Ngọc Điệp, chị Phạm Thị Nguyệt Nga đang sử dụng. Cụ Tề cho rằng đó là quyết định không chính xác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của gia đình cụ Tề. Theo lời cụ Tề, cả 2 căn phòng này thuộc sở hữu tư nhân và được ghi rõ trong những giấy tờ liên quan.
 
Văn bản trả lời bị xem là không thỏa đáng của UBND quận Hoàn Kiếm
Căn phòng bên trái là một trong hai căn phòng bị UBND quận Hoàn Kiếm đưa vào diện sở hữu nhà nước  (Ảnh: Ngọc Cương)

Cụ Tề mong muốn con trai Phạm Ngọc Điệp, con gái Phạm Thị Nguyệt Nga sẽ được sử dụng vĩnh viễn phần diện tích là tài sản được hình thành từ mồ hôi công sức của bố mẹ. Việc đưa 2 căn buồng này vào diện nhà nước quản lý, chỉ áp dụng mức đền bù như các hộ gia đình ký hợp đồng thuê nhà của nhà nước là điều hết sức phi lý, trong khi trích lục bản vẽ địa chính ghi rõ 2 căn buồng này không thuộc quản lý của nhà nước. Bên cạnh đó, cụ Tề còn tỏ ra bất bình khi UBND quận Hoàn Kiếm không hề nhắc đến tên và quyền lợi của cụ, trong khi cụ có công xây dựng, gìn giữ suốt hơn 70 năm qua.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí chiều 16/7/2012, cụ Phạm Thị Tề và các hộ dân khẳng định hoàn toàn ủng hộ dự án bảo tồn của thành phố, phục vụ cho mục đích tham quan, du lịch, giới thiệu văn hóa kiến trúc nhà vườn cổ với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, các hộ dân đều chung mong muốn các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại chính sách hỗ trợ đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ dân sinh sống tại đây.
 
Các hộ dân đang chờ đợi UBND quận Hoàn Kiếm xem xét lại mức hỗ trợ
Các hộ dân đang chờ đợi UBND quận Hoàn Kiếm xem xét lại mức hỗ trợ
(Ảnh: Ngọc Cương)
 
Trong ngày 16/7/2012, cụ Tề cũng đã gửi văn bản khiếu nại lên UBND thành phố đề nghị xem xét lại những quyền lợi chính đáng của gia đình. Cụ Tề tái khẳng định 2 căn phòng mà anh Điệp và chị Nga đang sử dụng không thuộc phần sở hữu nhà nước. Cụ Tề đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm và ban Phố Cổ giải quyết dứt khoát để gia đình giữ lại 2 căn phòng tầng 1 để các con và các cháu tôi tiếp tục sinh sống bình thường.
 
Nhà số 115 Hàng Bạc thuộc diện nhà ở có vườn, có giá trị cần bảo tồn, tôn tạo theo Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội ban hành theo Quyết định số 45/1999/QĐ-UBND, ngày 4/6/1999 của UBND TP Hà Nội.
 
Đây là ngôi nhà vườn duy nhất còn lại trong phố cổ Hà Nội được các chuyên gia trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao. Các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu công trình này trong cuốn sách “The 36 guild streets area Hanoi’s Ancien Quarter” (Hà Nội 36 phố phường).

Báo Dân trí sẽ tiếp tục đưa thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương