Ôsin - một lực lượng lao động đáng quan tâm

(Dân trí) - Xuất phát từ một bộ phim truyền hình Nhật Bản, khái niệm “Ôsin” đã du nhập vào đời sống ngôn ngữ Việt - chỉ những người phụ nữ giúp việc trong gia đình. Lực lượng lao động làm nghề này khá phổ biến ở các đô thị.

Nhu cầu xã hội
 
Đây là một nghề đã có từ rất lâu đời, nhưng một thời gian dài vắng bóng. Khoảng chục năm trở lại đây nghề này lại bắt đầu phục hồi và ngày càng sôi động. Từ đây, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, văn hoá khá phức tạp, song chưa được quan tâm đúng mức.

 

Chị Lê Thu Huệ, làm việc trong một doanh nghiệp ở TP Hà Tĩnh có con nhỏ dưới 18 tháng tuổi. Sau 4 tháng nghỉ sinh theo chế độ bảo hiểm, chị phải đi làm. Chồng làm việc ở Hà Nội, bố mẹ hai bên đều già yếu, con còn quá nhỏ chưa gửi trẻ được, chị phải thuê một cô bé 15 tuổi ở huyện Hương Khê trông con. Dù đã dặn dò cẩn thận, nhưng chị vẫn không yên tâm, thỉnh thoảng phải gọi điện về để biết tình hình ở nhà và nhắc nhở cô bé Ôsin những việc cần làm. Chị tâm sự: “Cô bé Ôsin nhà em được cái hiền lành, thật thà, nhưng lại đoảng vị, hay quên, nên em phải điện thoại nhắc nhở luôn”.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Ôsin là một hiện tượng bình thường, xuất phát từ nhu cầu, sự phân công lao động xã hội. Hiện nay, không ít gia đình, chủ yếu ở vùng thành thị có nhu cầu tìm người giúp việc. Trong khi đó, một bộ phận phụ nữ vùng nông thôn, miền núi nhàn rỗi, cần có việc làm phù hợp để kiếm thêm thu nhập. Hai bên đã tìm đến nhau (hoặc được người giới thiệu), tự thoả thuận về công việc, thu nhập, đãi ngộ.

 

Công việc của Ôsin chủ yếu là giữ trẻ, phục vụ người già yếu hoặc làm công việc vặt trong gia đình. Một số người vừa giữ trẻ vừa làm việc vặt hoặc vừa phục vụ người già vừa làm việc vặt. Thu nhập tuỳ theo công việc, trung bình từ 1,3 đến 2 triệu đồng/tháng, chủ bao cơm ăn, mỗi năm được hai bộ quần áo và một số khoản khác như tiền tàu xe về quê, quà cáp…

 

Ôsin khá đa dạng về lứa tuổi, từ những em gái 12, 13 tuổi bỏ học giữa chừng đến những người đã 40, 50 tuổi hoặc hơn nữa. Các Ôsin thường đến từ những miền quê nghèo, vùng xa xôi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn, không có nghề nghiệp ổn định nên mới chấp nhận đi làm công việc này.
 
Em Lê Thị Mai, 15 tuổi, quê ở  huyện Quỳnh Lưu đang làm giúp việc cho một gia đình ở phường Bến Thuỷ (TP Vinh, Nghệ An) cho biết: “Bố mẹ em bỏ nhau, em học hết lớp 8 thì bỏ học, được người quen giới thiệu đi làm người giúp việc gia đình ở đây”. Mai cho biết em được giao công việc giữ em bé (1 tuổi) và làm thêm một số việc nhà, thu nhập 1,3 triệu đồng/tháng.

 

Công việc của Ôsin có trường hợp khá nhẹ nhàng như chỉ trông em bé, giữ nhà. Nhưng cũng có những trường hợp phải làm việc vất vả, nặng nhọc, nhất là phục vụ người già ốm đau lâu ngày, làm việc vặt trong một gia đình đông người…
 
Muôn nẻo đường đời

 

Một số Ôsin may mắn gặp được chủ đối xử tốt, nhưng cũng có những trường hợp Ôsin bị chủ chửi bới, đánh đập, ngược đãi. Ngược lại, Ôsin cũng có người tốt người xấu, có người siêng năng, có người lười nhác, có người thật thà, có người nhiều thói hư tật xấu…Mối quan hệ giữa chủ nhà và Ôsin cũng diễn ra theo nhiều tình huống khác nhau khá phong phú, phức tạp. Có không ít trường hợp xảy ra xô xát, thậm chí đã thành án mạng.  

 

Chị Liên, phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cho biết: “Có nhiều trường hợp chủ nhà coi Ôsin như người thân, tạo điều kiện giúp đỡ học hành, rồi tìm việc làm cho; công việc kết thúc nhưng hai bên vẫn đi lại thăm hỏi nhau. Nhưng cũng có trường hợp Ôsin trộm cắp tiền bạc, tài sản rồi bỏ trốn. Lại có trường hợp nảy sinh “tình cảm” giữa ông chủ và Ôsin.
 
Ôsin - một lực lượng lao động đáng quan tâm - 1

(nguồn ảnh: internet)

 

Chị Hải, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh ấm ức kể: “Tôi mới thuê cô bé Ôsin được 7 tháng. Ban đầu không có vấn đề gì, nhưng sau thấy một số biểu hiện lạ như chồng tôi quan tâm đặc biệt đến Ôsin, rồi Ôsin lại biết rõ sở thích ăn uống của chồng hơn cả tôi. Tôi buộc phải cho cô bé nghỉ việc, trước khi xảy ra hậu quả không hay. Hiện tôi chưa tìm được người khác”. Cũng vì lí do này mà một số chị chủ nhà chỉ thuê những Ôsin đã luống tuổi, hoặc có ngoại hình dưới mức trung bình.

 

Hiện công tác quản lý về Ôsin chưa được quan tâm đúng mức. Trên địa bàn  nhiều tỉnh thành hiện chưa có con số cụ thể về số lượng Ôsin. Một số cơ quan như Sở LĐ – TB – XH, Hội Phụ nữ, Sở VH – TT & DL…đều chưa thực hiện công tác thống kê. Một số cán bộ phường, xã cũng tỏ ra lúng túng khi được hỏi về số lượng Ôsin trên địa bàn.
 
Theo tìm hiểu sơ bộ, hiện trên địa bàn thành phố Vinh, TP Hà Tĩnh có hàng ngàn Ôsin, ngoài ra ở một số thị xã, thị trấn cũng có, nhưng với số lượng ít. Hầu hết Ôsin làm việc không có văn bản hợp đồng lao động, mà chỉ giao kết bằng miệng. Hiện pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về đối tượng người giúp việc trong gia đình, vì vậy, Ôsin không được hưởng BHXH, BHYT và các quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong mối quan hệ với chủ, Ôsin là đối tượng phụ thuộc và chịu thiệt thòi trong đa số trường hợp phát sinh bất đồng, mâu thuẫn. Nếu có vấn đề gì, Ôsin chỉ biết ngậm ngùi cuốn gói khỏi nhà chủ.

 

Trên địa bàn nhiều tỉnh chưa có các tổ chức môi giới, đào tạo Ôsin. Những người có nhu cầu thường nhờ người quen tìm hộ. Có một số người môi giới Ôsin được trả công khoảng vài trăm nghìn/trường hợp, nhưng nếu Ôsin đó “có vấn đề” thì người môi giới không phải chịu trách nhiệm gì.

 

Có những gia đình cần Ôsin nhưng không tìm được người, trái lại có những người cần việc lại không được ai giới thiệu. Xuất hiện một số kẻ buôn người giả danh tìm kiếm Ôsin rồi đem đi bán cho các “động” mại dâm. Đa số Ôsin là người nông thôn, học vấn thấp, lạ lẫm với môi trường đô thị, chưa biết cách ứng xử đúng mực trong gia đình chủ.

 

Vì vậy, việc thành lập các tổ chức có tư cách pháp nhân để đào tạo, môi giới Ôsin là điều nên làm. Ngoài ra, chúng tôi nghĩ, cũng cần thành lập CLB những người giúp việc trong gia đình, để chị em có điều kiện giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết. Các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội cần có sự quan tâm đến đội ngũ Ôsin, để bảo vệ quyền lợi và giúp họ có cơ hội cải thiện cuộc sống.

 

                  

                                    Trần Quang Đại

                                         (Hà Tĩnh)
 

LTS dân trí- Đúng là Ôsin ở nước ta hiện nay đã trở thành một nghề khá phổ biến ở các đô thị. Nhiều gia đình ở thành phố, nhất là những nhà có trẻ con và người già yếu, rất cần người giúp việc. Từ phía ngược lại, nhiều gia đình ở nông thôn, nhất là những vùng khó khăn, cũng có nhu cầu ra thành phố làm Ôsin.

 

Đây là nhu cầu chính đáng và cần thiết của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Những người làm nghề Ôsin cũng là lực lượng lao động đáng kể trong xã hội, tuy nghề này không phức tạp nhưng cần người không có bệnh tật, có kiến thức và kỹ năng nhất định. Vì vậy, ở các thành phố, nên có những tổ chức chuyên làm công việc đào tạo và giới thiệu Ôsin tin cậy và bảo đảm cho những người có nhu cầu. Hiện nay, mới chỉ dừng lại ở việc “môi giới” Ôsin, may thì gặp được người tốt, còn không may thì phải đổi đi đổi lại nhiều lần do không phù hợp về nhiều mặt.

 

Đứng về phía những người làm nghề giúp việc, chính quyền ở cơ sở cũng như các trung tâm giới thiệu việc làm, các tổ chức xã hội cần coi nghề làm Ôsin cũng những nghề lao động khác để có biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ như tác giả bài viết trên đây đã đề xuất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm