Nữ tài xế cố thủ, chống đối cảnh sát đối mặt với án phạt nào?
(Dân trí) - Nữ tài xế chống đối cảnh sát giao thông, không chấp hành hiệu lệnh đối mặt với án phạt nặng.
Như Dân trí đã đưa tin, tổ công tác thuộc Đội CSGT Công an TP Vinh (Nghệ An) phát hiện chiếc xe ô tô BKS 37A – 184.9 lưu thông hướng đường Trường Thi ra sân bay Vinh, có dấu hiệu vi phạm giao thông (hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường).
Theo quy định tổ công tác ra hiệu lệnh yêu cầu tài xế dừng xe kiểm tra theo quy định. Tuy nhiên, tài xế đã nhấn ga tiếp tục cho xe lưu thông, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT.
Đến vòng xuyến đầu đường Lê Nin, tổ công tác mới dừng được phương tiện. Lúc này, nữ tài xế vẫn cố thủ trên xe, không chấp hành hiệu lệnh.
Khi tổ công tác tiến hành lập biên bản, nữ tài xế cũng không hợp tác, không ký vào biên bản. Thậm chí, để “ăn thua” với cảnh sát, nữ tài xế này còn tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy theo hướng sân bay Vinh. Trước tình thế trên tổ công tác tiếp tục truy đuổi, đồng thời điện báo xin tăng cường lực lượng hỗ trợ.
Đến khi chiếc xe rẽ vào đường Duy Tân, tổ công tác dừng được xe, nữ tài xế tiếp tục có hành vi chống đối, không chấp hành hiệu lệnh. Sau nhiều giờ đấu tranh "bất thành" với nữ tài xế này, lực lượng CSGT CATP Vinh đã buộc phải huy động tối đa lực lượng đồng thời cẩu chiếc xe vi phạm về trụ sở để làm việc.
Nhìn nhận trên góc độ pháp lý, Luật sư. TS Nguyễn An, Hãng luật cộng đồng nhận định, đối tượng trong vụ việc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát giao thông đã vi phạm pháp luật và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người khác khi tháo chạy. Theo quy định tại điểm e Khoản 4 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đây bị coi là hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”.
Mức phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng – 1.200.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng (Điểm b Khoản 10, Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP).
Hơn nữa, với lỗi vi phạm về việc hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 16 Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì việc xe ô tô có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong 01 tháng (Điểm a, Khoản 6, Điều 16 Nghị định 1717/2013/NĐ-CP).
Mặt khác, nữ tài xế lúc nào cũng "lăm lăm" trong tay chiếc điện thoại di động để quay phim, đồng thời dùng những lời “tự thuật” theo hướng có lợi cho mình. Sau đó còn bảo sẽ đăng lên mạng xã hội để “cả thế giới” biết. Nếu người phụ nữ chỉ ghi hình của cảnh sát giao thông thì chưa được coi là vi phạm pháp luật nhưng người phụ này vừa quay phim vừa dùng những lời “tự thuật” theo hướng có lợi cho mình trong khi chính mình đã có những hành vi vi phạm để cảnh sát giao thông phải yêu cầu tài xế dừng xe kiểm tra. Việc này chứng tỏ tài xế đã cố tình làm sai lệch chứng cứ của sự việc, nếu tài xế sử dụng clip này tung lên mạng để tố cáo các chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ phạm vào tội vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 vì tài xế biết rõ clip này là bịa đặt, sai sự thật.
Những hành vi cố tình vi phạm hoặc không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát giao thông là hành vi đáng lên án và cần phải có mức án cao nhằm răn đe và giảm tối thiểu tai nạn giao thông.
Phạm Thanh