Nói “Không!” với bạo lực học đường

(Dân trí) - Liên tiếp trong thời gian gần đây rộ lên thông tin về những vụ học sinh đánh bạn, quay clip rồi tung lên mạng, làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ cả cộng đồng xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng.

 
Nói “Không!” với bạo lực học đường  - 1

Nữ sinh duyên dáng trong những tà áo dài trắng thướt tha.
 

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Cá không ăn muối, cá ươn. Con không nghe cha mẹ, trăm đường con hư”, “Tiên học lễ, hậu học văn”… Những lời răn dậy thấm đẫm đạo lý, nhân văn và tình người đó đã và đang được biết bao thế hệ người Việt Nam truyền tụng và làm theo.

 

Vậy mà trong số các em học sinh, nhất là nữ sinh đang ở cái thời áo trắng mộng mơ “mùa xuân đến đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm”, lại xuất hiện những gương xấu hành xử  trái với thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam khiến ai ai cũng phải ghê sợ và căm phẫn lên án như thế.

 

Những vụ tung clip cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng lên mạng trước đây, đặc biệt vụ hồi đầu tháng Ba xảy ra ngay tại một vườn hoa ở trung tâm Hà Nội, đã liên tiếp gióng lên những hồi chuông báo động về tình trạng suy thoái đạo đức tỉ lệ nghịch với bạo lực học đường có xu thế gia tăng trong một bộ phận học sinh.

 

Không chỉ các bậc cha mẹ, thầy cô, các nhà giáo, mọi tầng lớp người dân, mà  rất nhiều  bạn trẻ (nhất là nam giới) cũng đều chia sẻ nỗi lo ngại trước thực trạng đau lòng đến mức “không thể tin” được này.

 

Những đứa con – thế hệ tương lai của đất nước,  niềm hạnh phúc ngọt ngào, tâm điểm thu hút mọi tình thương yêu, sự chăm sóc, nuôi dưỡng và đầu tư của cả gia đình và xã hội – vì sao có thể trở nên côn đồ, hung hãn, học đòi cách  hành xử theo kiểu giang hồ có số có má như vậy?

 

Nhận định chung cho rằng: một phần do sự quan tâm và trách nhiệm dạy dỗ,  giáo dục đạo đức, nhân cách của gia đình – nhà trường – xã hội với các em còn phiến diện, chưa đúng cả về phương pháp lẫn liều lượng, chất lượng. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những tác động tiêu cực từ bên ngoài như: phim hành động bạo lực kiểu Mỹ, kiểu Hàn… của gameonline bạo lực tràn lan, của những gương xấu từ người lớn vốn rất dễ tác động tới những hành vi còn thiếu suy nghĩ chín chắn của con em chúng ta.

 

Phần khác lớn hơn là do biện pháp xử lý, mức độ trừng phạt xem ra còn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Chỉ những hình thức kỷ luật không thôi, dù có là cao nhất, cũng sao có thể khiến những học sinh cá biệt, cứng đầu như thế e sợ. Tệ nạn do vậy không những không bị ngăn chặn, mà còn có xu hướng lặp lại với hình thức bạo lực gia tăng và phô trương kệch cỡm hơn.

 

Từ phía ngược lại, nhiều ý kiến đã cảnh báo khả năng xảy ra những phản ứng tiêu cực có thể cũng bạo lực không kém từ phía phụ huynh, người thân của các nạn nhân, hoặc từ chính những người dân cũng có “những cái đầu nóng” không thể kiềm chế.

 

Bé không vin, lớn cả gãy cành. Chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến của đa số bạn đọc, rằng cần phải có những biện pháp mạnh và quyết liệt hơn nữa đối với những con sâu (u nhọt) học đường này. Không nên để những học sinh đó cứ nhởn nhơ, vin vào cái cớ còn chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, để trốn tránh sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

 

Hãy giúp các em thành những công dân tốt. Nhẹ không nghe thì hãy dùng biện pháp mạnh, đừng vì thương con em mà để các em như vậy!”  (bạn đọc Tomi  - email: vuongpc174@gmail.com nhấn mạnh).

 

Thanh Nguyễn

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm