Những lối mòn trong giáo dục

(Dân trí) - “Chúng ta đã trên con đường mòn rồi thì cứ đi đã”- là điều mà thầy giáo già nhất Việt Nam <a href="http://www1.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/11/206621.vip">Bùi Văn Huyền</a> luôn phải day dứt.

Niềm tâm huyết của thầy, cuốn “Dự biên chữ viết Việt Nam” đã bị “ngủ quên” gần chục năm qua. Hiện, có bao nhiêu niềm tâm huyết bị “ngủ quên” như vậy? Chưa một cơ quan nào thực hiện thống kê. Chỉ có sự hiện diện của “những con đường mòn” trong ngành giáo dục là đã trở nên quá quen thuộc.

 

Một chuyên viên của Bộ GD-ĐT kể: Trong mười năm nay, năm nào tôi cũng đến góp ý cho Nhà xuất bản Giáo dục về chuyện đừng tiếp tục in ngược ở gáy SGK nữa. Khi xếp sách lên giá hoặc cho vào trong cặp thì tìm rất khó. Cả thế giới không ai người ta in SGK như thế cả. Nhưng cả 10 năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục vẫn tiếp tục in những cuốn SGK mắc lỗi kỹ thuật không giống ai như thế!

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Một “con đường mòn” khác phải kể đến là câu chuyện về cân cặp học sinh hay là vấn đề quá tải chương trình. Hầu như năm nào, ngành giáo dục không ít thì nhiều cũng thực hiện một lần việc... cân cặp. Lần cân cặp gần đây nhất là tại trường tiểu học Lê Văn Tám, Hà Nội thì tất cả các chiếc cặp của học sinh khi cân đều có độ nặng trên 4 kg.

 

Nhưng, theo khẳng định của lãnh đạo Vụ tiểu học (Bộ GD- ĐT) thì việc học sinh phải mang những chiếc cặp nặng đến trường không phải là "lỗi" do chương trình học nặng. Cặp nặng vì do bản thân chiếc cặp... nặng và phụ huynh nhồi nhét cho con em họ quá nhiều thứ như chai nước, hộp sữa, sách tham khảo... Nếu chỉ cân riêng SGK phục vụ cho buổi học đó thì tất cả cũng chưa đến 1 kg...

 

Vào năm 2003, trong một lần cân cặp, lý do ngành giáo dục đưa ra khi thực hiện việc này là để đánh giá mức độ quá tải thế nào trong việc học tập của các em học sinh. Địa điểm cân cặp vẫn là trường tiểu học Lê Văn Tám cùng với 3 trường tiểu học khác tại địa bàn Hà Nội.

 

Dư luận hồi đó cũng đã hết sức giật mình khi Vụ Tiểu học công bố chiếc cặp nặng nhất thuộc về nhà “vô địch” của trường Lê Văn Tám với cặp của học sinh lớp 5 nặng đến 4,5 kg. Lý do của những chiếc cặp nặng là vì các em học sinh đều mang khá nhiều sách, vở, bao gồm vở học thêm, vở học nhà cô giáo, vở đi học buổi tối, sổ liên lạc....

 

Trả lời trước Quốc hội về vấn đề cặp nặng của học sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển khi đó cho hay, Bộ GD-ĐT sẽ có nghiên cứu, khảo sát để đưa ra những kết luận cụ thể về mức độ nặng nhẹ của những chiếc cặp này.

 

Tuy nhiên, những nghiên cứu, khảo sát của Bộ trong 4 năm qua vẫn chỉ đơn giản là việc cân những chiếc cặp lên và... thanh minh.

 

Vấn đề quá tải chương trình vì thế mà càng trở nên rối ren hơn. Tưởng như ngành giáo dục đã rất quyết tâm khi vào đầu năm học 2005-2006, Bộ GD-ĐT thông báo kiên quyết là phải giảm tải 15% chương trình tiểu học.

 

Viện Chiến lược Chương trình giáo dục và Vụ Tiểu học khẳng định, qua 3 năm thực hiện chương trình và SGK bậc tiểu học cho thấy hiện tượng quá tải là có thực. Có tiết học phải hoàn thành quá thời gian quy định 30 phút mà kéo dài gần gấp đôi, học sinh về nhà còn phải làm bài tập (kể cả học sinh học 2 buổi/ngày).

 

Tuy vậy, hơn hai năm sau, kết luận tại Hội nghị toàn quốc đánh giá năm năm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bậc tiểu học, Bộ GD-ĐT: Hạn chế nổi bật của chương trình này vẫn là những biểu hiện của sự quá tải!

 

Nguyên nhân của tình trạng quá tải là do một số nội dung chương trình còn quá cao so với điều kiện dạy và học của nước ta như thời lượng học tập của học sinh tiểu học Việt Nam quá ít so với các nước khác (với chương trình thiết kế cho việc tổ chức dạy học 1 buổi/ngày thời lượng 530 giờ/năm, nếu tính thời lượng học tập của học sinh tiểu học Việt Nam là 100 thì con số tương ứng của Thái Lan là 147,36%, Malaysia 213,25%, Philippines 180,45%, Indonesia 267%...).

 

Bộ sách giáo khoa tiểu học được biên soạn để thống nhất nội dung dạy học trên toàn quốc chưa thật sự phù hợp với đối tượng học sinh ở những vùng giáo dục còn nhiều khó khăn; việc “tích hợp” một số môn học ở tiểu học bằng cách ghép các môn âm nhạc, mỹ thuật, thủ công thành môn nghệ thuật, gộp hai môn lịch sử, địa lý thành môn lịch sử và địa lý chưa phù hợp với điều kiện thực tế, ít hiệu quả và gây khó khăn về công tác chỉ đạo giảng dạy.

 

Chương trình cải cách cũng đã đề cập tới các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhưng thời lượng dành cho hoạt động này ở mức 1 tiết/tuần như hiện nay là quá ít. Các trường tiểu học không có thời gian dành riêng cho nội dung chào cờ và sinh hoạt đầu tuần vì chương trình quá tải...

 

Điều cần phải nói là tất cả những nguyên nhân kể trên hầu như đều đã được chỉ ra từ đầu những năm... 2000.

 

Mai Minh