Nhặt được thẻ tín dụng của người khác, tiêu gần 6 triệu có bị truy cứu?

Thế Hưng

(Dân trí) - Một người phụ nữ đã đăng tải video lên mạng xã hội với nội dung có người nhặt được thẻ tín dụng của chị đã tiêu số tiền 5,6 triệu đồng. Liệu người nhặt được thẻ có bị truy cứu hình sự?

Gần đây một bài đăng trên mạng xã hội với nội dung: "Hôm chủ nhật ngày 11/12 vợ chồng em có đi mua sắm vào khoảng 20h tối. Em có vào một cửa hàng mua đồ. Trong lúc quẹt thẻ xong và đi ra khỏi cửa hàng do em bất cẩn nên làm rơi thẻ, chị áo đen trong video đã nhặt được và sau 15 phút vợ chồng em sang cửa hàng khác thì thấy tin nhắn báo trừ tiền tại cửa hàng vừa mua lúc nãy.

Em có chạy ngay xuống cửa hàng thì chị ấy đã đi mất và kiểm tra camera thì thấy như thế. Nhân viên báo chị ấy mua hàng rất vội vừa đi khỏi. Em ra nhưng không nhìn thấy chị ấy nữa. Chị ấy đã lấy thẻ của em quẹt 5,6 triệu đồng xong em đã kịp khóa thẻ ạ. Số tiền tuy không lớn nhưng em đăng lên đây để mọi người cẩn thận hơn, cuối năm rồi ạ".

Nhặt được thẻ tín dụng của người khác, tiêu gần 6 triệu có bị truy cứu? - 1

Người nhặt được thẻ đã vô tư tiêu tiền trong thẻ tín dụng vừa nhặt được (Ảnh cắt từ video).

Trao đổi với Dân trí về sự việc trên, luật sư Trần Viết Hà, Công ty luật TNHH MTV Nam Sơn phân tích, hành vi nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 172 Bộ luật hình sự. Dù thẻ tín dụng tự rơi ra và có người nhặt được, người nhặt không lén lút trộm thẻ nhưng người nhặt được đã tiêu tiền trong thẻ sẽ bị khởi tố vì tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Theo luật sư Hà, thẻ tín dụng tự rơi nhưng bên trong đó ẩn chứa tài sản. Khi nhặt được thẻ, người nhặt được đã có hành vi ngang nhiên sử dụng thẻ. Chủ sở hữu thực sự của thẻ tín dụng đã bị người khác lén lút lấy đi số tiền trong thẻ. Đó là cấu thành của tội trộm cắp tài sản.

"Trong trường hợp này, việc chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000-50.000.000 đồng thì khung hình phạt là cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", luật sư Hà khẳng định.

Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành động trực tiếp cho chủ tài sản thấy được hành vi đang chiếm đoạt tài sản mà chủ tài sản không làm gì được. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 172 Bộ luật hình sự.

Không chỉ với thẻ tín dụng, đối với các trường hợp chuyển nhầm tiền vào số tài khoản, người nhận được số tiền đó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì theo luật sư Hà, điểm D, khoản 2 điều 15 Nghị định 144/2021 về việc chiếm giữ tài sản trái pháp luật, người nhận tiêu dưới 10 triệu đồng đã có thể bị phạt 3-5 triệu đồng.

Nghiêm trọng hơn, nếu số tiền trên 10 triệu đồng thì theo vị luật sư này, người nhận có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội chiếm giữ trái phép tài sản theo điều 176 Nghị định 144/2021. Theo đó, người nào cố tình không trả lại tiền cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000-200.000.000 đồng sau thì bị phạt tiền từ 10.000.000-50.000.000 đồng. Ngoài ra, người nhận có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Thậm chí, phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên có thể bị phạt tù 1-5 năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm