Nguyên nhân từ sự giả dối

Có quá nhiều chuyện đau lòng xẩy ra trong ngành giáo dục, thầy giáo bị đuổi đánh trong sân trường, bị học sinh chặn đường hành hung và bị xúc phạm, mắng chửi, khủng bố bằng lời. Những người quan tâm đến vận mệnh giáo dục nước nhà không khỏi ưu tư trước thực trạng này.

Dư luận chưa nguôi cơn phẫn nộ sau vụ thầy Đặng Hữu Dũng, phó chủ nhiệm khoa cơ khí - công nghệ Trường Đại học Nông Lâm TPHCM bị một sinh viên tạt a xít, lại nhận thêm tin dữ thầy giáo Đoàn Đình Thuấn - giáo viên môn Vật lý Trường THCS Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị phụ huynh học sinh và nhiều đối tượng khác hành hung.

Truyền thống tôn sư trọng đạo ngàn đời của dân tộc đang bị xâm hại từng ngày.            

Có quá nhiều chuyện đau lòng xẩy ra trong ngành giáo dục, thầy giáo bị đuổi đánh trong sân trường, bị học sinh chặn đường hành hung và bị xúc phạm, mắng chửi, khủng bố bằng lời. Những người quan tâm đến vận mệnh giáo dục nước nhà không khỏi ưu tư trước thực trạng này.

Trong môi trường đại học, lâu nay vẫn xẩy ra tình trạng xin điểm, mua điểm. Một bộ phận thầy cô đã không giữ được sự thanh sạch của lương tâm nghề nghiệp, sẵn sàng chạy theo đồng tiền. Sinh viên mua điểm được bằng tiền thì không còn nhìn người thầy bằng con mắt kính trọng. Khi môi trường giáo dục bị vẩn đục thì các mối quan hệ không còn chuẩn mực, đạo lý bị coi thường. Giáo sư Hoàng Tụy từng cất tiếng than : "Bệnh giả dối trong giáo dục đang trở thành một nỗi nhục lớn". Xét cho cùng, mọi vấn nạn xảy ra trong nhà trường, kể cả học trò dám đánh thầy đều có nguyên nhân sâu xa là sự giả dối.

Những người thầy sống mực thước, có trách nhiệm với nghề nghiệp đôi khi lại trở thành chướng tai gai mắt đối với kẻ xấu. Nhiều người không chấp nhận chuyện mua bán điểm thi hay bằng cấp bị coi là kẻ không "thức thời" và đôi khi phải trả giá. Vụ thầy Đặng Hữu Dũng bị tạt a xít là một điển hình, nó không dừng lại việc gây ra tội ác cho một người thầy mà nó đang đe dọa nhiều người thầy khác. Từ nay, sẽ không ít người rơi vào tâm trạng sợ hãi, lo lắng khi đánh rớt sinh viên, bởi vì họ có thể bị đe dọa hay bị tấn công.

Đối với vụ phụ huynh học sinh đánh hội đồng giáo viên Đoàn Đình Thuấn và bắt quỳ xin lỗi họ là một việc man rợ còn hơn cả tạt a xít. Sự coi thường, xúc phạm danh dự và thân thể một thầy giáo của các vị phụ huynh này đã giết chết hình ảnh của người thầy trong mắt con cái họ. Những học sinh chứng kiến cha mẹ mình chửi bới, xúc phạm thầy cô giáo khi còn nhỏ, thì lớn lên chúng cũng có thể mắng chửi và hành hung thầy giáo như cha mẹ chúng đã làm. Dứt khoát một điều rằng, những gia đình giáo dục con cái biết tôn sư trọng đạo, thì không bao giờ có đứa con dám tạt a xít thầy của mình.

Nhiều ý kiến tâm huyết kêu gọi chấn hưng giáo dục, trong đó khẩn thiết nhất yêu cầu chấn chỉnh lại đạo đức học đường, trả lại sự trung thực trong giáo dục. Sự dối trá còn tồn tại thì sẽ còn những điều phi đạo đức xảy ra.           

Lê Chân Nhân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm