Nghi án thầy giáo dâm ô nữ sinh tiểu học: Hiệu trưởng có hoàn toàn vô can?

(Dân trí) - “Trong những vụ án bị hại là trẻ em, ngoài việc trừng trị nghiêm khắc người thực hiện hành vi phạm tội thì các cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu nhà trường bởi hành động này diễn ra trong một thời gian dài, với nhiều học sinh diễn ra ngay tại môi trường giáo dục mà không được người đứng đầu đơn vị phát hiện, xử lý thể hiện dấu hiệu buông lỏng quản lý, lơ là chức trách nhiệm vụ”, nhận định của luật sư Quách Thành Lực.

Theo thông tin Chủ tịch UBND xã An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cung cấp, chiều 13/4, Công an xã An Thượng nhận được đơn của đại diện các phụ huynh học sinh tố cáo thầy L. có hành vi dâm ô với một số học sinh nữ tại trường Tiểu học An Thượng A.

“Theo đơn phụ huynh tố cáo, khi các cháu đi học, thầy giáo cho học sinh nữ ăn kẹo, sau đó lợi dụng sờ vào ngực, vùng kín của các cháu. Ngay sau khi nhận được trình báo, tôi đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc xác minh".


Trường Tiểu học An Thượng A, nơi xảy ra vụ việc.

Trường Tiểu học An Thượng A, nơi xảy ra vụ việc.

Ngày 16/4, Cơ quan điều tra - Công an huyện Hoài Đức đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với nghi can N. Đ. L. để điều tra về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi. Bước đầu, nghi can này khai nhận đã thực hiện hành vi dâm ô với một số học sinh lớp 3.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Chi Lương - Chủ tịch UBND xã An Thượng - cho biết, sau khi cơ quan công an bắt giữ thầy giáo L., chính quyền xã đã phối hợp với nhà trường đến thăm hỏi, động viên gia đình và các học sinh nữ để ổn định tâm lý các cháu.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa cho rằng, ở bất cứ cương vị nào hành vi dâm ô với trẻ em là hành vi nguy hiểm cho xã hội đặc biệt với cương vị một người thầy hành vi dâm ô với học sinh của mình thì hành động đó là rất nghiêm trọng cần phải bị trừng trị nghiêm khắc và bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ.

Phân tích sự việc dưới góc độ pháp luật, Luật sư Lực nhận định: Hành vi của người này đã rõ thông qua lời khai của nạn nhân, tố cáo của gia đình và sự thừa nhận của chính người thực hiện hành vi dâm ô. Theo điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổiquy định

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05.

Pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ quyền về thân thể, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em… Hành động dâm ô có thể hiểu là có hành vi kích dục đối với trẻ em như sờ, bóp, hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục (như dương vật) cọ sát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ em. Có hành vi buộc trẻ em sờ, bóp, cọ xát… vào những bộ phận kích thích tình dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác. Các hành vi nêu trên đều chưa và không có mục đích giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với trẻ em. Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng ép thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội.


Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Nội Tinh Hoa.

Trong những vụ án bị hại là trẻ em ngoài việc trừng trị nghiêm khắc người thực hiện hành vi phạm tội thì các cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh phải hết sức tránh những hậu quả tâm lý nặng nề, lâu dài cho các nạn nhân. Với các em học sinh nhất thiết cần có chuyên gia tâm lý đến hỗ trợ điều trị để các em không bị sốc, ám ảnh về hành vi dâm ô đó suốt quãng đời còn lại.

Hành động của giáo viên này diễn ra trong một thời gian dài, với nhiều em học sinh diễn ra ngay tại môi trường giáo dục mà không được người đứng đầu đơn vị phát hiện, xử lý thể hiện dấu hiệu buông lỏng quản lý, lơ là chức trách nhiệm vụ. Cần có biện pháp hành chính xem xét trách nhiệm tập thể giáo viên, người đứng đầu nhà trường khi để xảy ra sự việc nêu trên.

Ngọc Hân (thực hiện)