Nên chăng giáo viên tự học trong dịp nghỉ hè
(Dân trí) - Khác với các ngành nghề khác, nhà giáo có khoảng thời gian nghỉ hè 2 tháng. Đây là khoảng thời gian quý giá để các thầy cô giáo tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ.
Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng tranh thủ được khoảng thời gian quý báu này.
Cô Lê Thị Diệu Thúy, giáo viên trường THPT Minh Khai (Hà Tĩnh) tâm sự: “Nghề giáo là nghề tự học suốt đời để tự hoàn thiện mình và nâng cao chất lượng giảng dạy. Một giáo viên giỏi là một giáo viên luôn tranh thủ thời gian để tự học. Đối với tôi, do đặc thù môn Ngữ văn, hè là khoảng thời gian rỗi quý giá để đọc các tác phẩm văn học, nghiên cứu phê bình, rồi đọc rộng ra các sách về văn hóa, lịch sử, tâm lý học…Đọc bao nhiêu cũng thấy chưa đủ. Mà đọc nhiều thì lên lớp vững vàng hơn hẳn”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Trau dồi kiến thức là cách để giáo viên nâng cao trình độ của bản thân (nguồn ảnh: internet)
Bên cạnh những nhà giáo có ý thức đam mê học hỏi, vẫn còn một số nhà giáo chưa thực sự chú trọng việc tự học, tự bồi dưỡng. Đối với những nhà giáo này, ngay cả trong thời gian chính khóa cũng không chú trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn, hè là dịp để “xả hơi” hoặc làm thêm. Đến nhà một đồng nghiệp dạy môn Lịch sử ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), thấy giá sách lèo tèo vài ba quyển sách giáo khoa, sách giáo viên và giáo án, hầu như không có sách báo, tài liệu tham khảo gì. Hỏi thăm hè làm gì, anh cho biết ngoài công việc coi thi, họp hành vài ba buổi, đi du lịch một tuần ở TPHCM và Đà Lạt thì chủ yếu đi đánh cờ, câu cá giải khuây.
Tôi “chất vấn” sao ít sách vở thế, anh chia sẻ: “Cậu lạ gì môn Lịch sử, bây giờ học sinh có học hành, quan tâm gì đâu. Hồi mới ra trường, mình cũng hăng hái lắm, nhưng rồi thấy dạy như “nước đổ lá khoai”, dần đâm chán nản”.
Một số giáo viên khác đã vào biên chế, lương nâng theo kì hạn nên ý thức phấn đấu giảm sút, ít chăm lo đầu tư chuyên môn, kiến thức chỉ bó hẹp trong phạm vi SGK, SGV và một số tài liệu tham khảo ít ỏi. Vì vậy, chất lượng một bộ phận giáo viên có biểu hiện sa sút, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.
Một số giáo viên, đặc biệt là ở thành phố, thị xã, thị trấn, lại rất bận rộn trong dịp hè vì công việc dạy thêm, dạy kèm. Dạy thêm là một động lực để nhà giáo tự học, nâng cao trình độ chuyên môn và cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, nếu dạy thêm quá nhiều cũng ảnh hưởng đến thời gian tự học.
Hè cũng là thời điểm một số giáo viên có thời gian học các lớp tại chức, từ xa. Nếu tổ chức tốt và người học có ý thức tự giác cao thì đây là dịp rất tốt để nâng cao trình độ cho mỗi giáo viên. Tuy nhiên, chất lượng của các lớp tại chức, từ xa, thậm chí cả các lớp thạc sỹ tập trung cũng đang gây băn khoăn lớn, bộc lộ nhiều tiêu cực do người học cần bằng cấp hơn là kiến thức.
Dịp hè, Sở GD – ĐT và các Phòng GD – ĐT cũng tổ chức một số chuyên đề, tập huấn về kiến thức, phương pháp chuyên môn và quản lý. Một số cơ sở còn có chuyên đề khoảng 15 ngày dành riêng cho những giáo viên còn yếu về chuyên môn.
Tuy nhiên, các chuyên đề thường tổ chức muộn, như năm nay chỉ còn cách ngày vào học khoảng 3 tuần nhiều địa phương mới triển khai chuyên đề. Mặt khác, các giáo viên tham gia chuyên đề chưa hào hứng vì thấy hiệu quả thiết thực đem lại cho công tác chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự có tác động tích cực đối với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, cần khơi dậy, phát huy được tinh thần trách nhiệm, đam mê học hỏi, phấn đấu của đội ngũ nhà giáo. Điều này phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi giáo viên, và cả những giải pháp từ tầm chiến lược vĩ mô đến cụ thể của các cấp quản lý giáo dục và toàn xã hội.
Trần Quang Đại
(Hà Tĩnh)
LTS Dân trí - Muốn cho tiết học mới mẻ, phong phú và sinh động, mọi giáo viên cần luôn cập nhật những tri thức mới thông qua việc tự học và theo sát tình hình thực tế làm cho vốn sống ngày thêm phong phú.
Những giáo viên giỏi thường tìm thấy sự đam mê trong nghề nghiệp, từ đó tạo ra sức thuyết phục và cảm hóa học sinh bằng cả trí tuệ và tâm huyết của mình. Đấy cũng là những thầy cô giáo biết tranh thủ những thời gian rỗi rảnh, nhất là trong dịp hè, để tự trau dồi thêm kiến thức để không nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trình độ văn hóa nói chung, nhất là những kiến thức có liên quan với môn dạy chính của mình.
Các cấp quản lý giáo dục cũng như nhà trường cần coi trọng và có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với những giáo viên giỏi, luôn đam mê học hỏi và trau dồi nghề nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy đối với nhiều thế hệ học sinh.