Năm Dần, tản mạn về Hổ

Với thân thể to lớn (xấp xỉ 300 kg), bộ lông vằn vện, hàm răng chắc khỏe, móng vuốt sắc và chạy rất nhanh, Hổ được mệnh danh là “chúa tể sơn lâm”, giống như sư tử ở các nước châu Phi.

Năm Dần, tản mạn về Hổ  - 1

Khổng Tử, người sáng lập Nho giáo, khi giải thích cho ý “vạn vật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” đã dẫn ví dụ “gió theo hổ” (phong tòng hổ); nói thế bởi vì hổ chạy nhanh như gió cuốn. Hổ là loài thú ăn thịt, đôi khi vồ cả người, nhưng thực ra số lượng người bị hổ vồ không đáng kể. Người dân xưa, đặc biệt là dân vùng sơn cước thường sợ, tôn sùng hổ, khi đi rừng không dám nhắc đến hổ, hoặc nói trại tên đi (ông “kễnh”). Ít có con vật nào nhiều tên gọi như hổ: “ông ba mươi”, kễnh, cọp, hùm, chúa sơn lâm… Có nơi người dân lập miếu thờ hổ (vùng Mỹ Phước, Long Xuyên, An Giang).

Chữ hổ, theo Hán nghĩa, là dọa nạt, có bộ “khẩu” đứng trước chữ “hổ” (nghe tiếng hổ gầm, ai mà chả khiếp). Trong tiếng Việt có từ “hùng hổ”, phải chăng cũng xuất phát từ ý nghĩa này. Tuy nhiên vẫn có những tay thợ săn hổ khét tiếng, thành khắc tinh của hổ. Thậm chí có những người có sức khỏe và võ nghệ phi thường, tay không đánh hổ như Võ Tòng (Trung Quốc), Nguyễn Huệ (Quang Trung), Lê Văn Khôi, Võ sư Gogen Yamaguchi (Nhật)…

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Con hổ đã trở thành một biểu tượng trong nền văn hóa cổ phương Đông, tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền của vị tướng quân dũng mãnh, can trường, oai phong lẫm liệt hoặc những cá nhân tài năng xuất chúng. Theo truyền thuyết, vị tướng họ Hùng có công đánh đuổi giặc Ân do bà mẹ hổ sinh ra. Đến nay đền Trình ở thắng cảnh Hương Sơn (Mĩ Đức-Hà Nội) còn thờ vị thần hổ này, bốn mùa hương khói. Truyện Tam quốc có “Ngũ hổ tướng” gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung đã trở thành đề tài bàn luận hàng mấy thế kỉ chưa dứt. Nghệ An có “Nam Đàn tứ hổ” (Phan Văn San, Nguyễn Quý Song, Trần Văn Lương, Vương Thúc Quý) nức tiếng văn chương, Hà Tĩnh có “Hồng Sơn tứ hổ” (Ngô Quảng, Đội Quyên, Đỗ Đức Trang và Lê Tất Hiệt) võ nghệ vô địch, rồi “Quảng Nam tứ hổ”, “Nghệ An tứ hổ”, “Trường An tứ hổ”…

Trong “Truyện Kiều” có câu: “Trướng hùm mở giữa trung quân” để chỉ nơi ở của Từ Hải. Xưa thường dùng da hùm làm thành cái màn lớn để chủ soái họp bàn với các tướng, nên người sau quen dùng chữ "hổ trướng" để chỉ chỗ làm việc của các tướng soái. Từ Hải được Nguyễn Du miêu tả “Râu hùm hàm én, mày ngài” để chỉ tướng mạo uy dũng phi thường của bậc anh hùng. Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”. Các võ tướng ngày xưa có phù hiệu, ấn tín khắc hình đầu hổ, gọi là hổ phù. Các đình chùa, miếu mạo thường chạm khắc hình hổ, thể hiện sự linh thiêng, bất khả xâm phạm.  

Theo quan niệm của tử vi phương Đông, người con trai sinh tuổi Hổ (Dần) thường có tư chất thủ lĩnh, tướng mạo oai phong, tính cách nóng nảy, quyết đoán, can trường, kiêu hãnh, đầy đam mê, nhân hậu. Danh nhân tuổi Hổ có những nhân vật xuất chúng, sự nghiệp lẫy lừng: Euclide (Canh Dần, 330-257 tr.CN), Trần Thái Tông (Mậu Dần, 1218-1277), Francois Reblais (Giáp Dần, 1494-1553), Tướng Tokugawa Ieyasu (Nhâm Dần, 1542-1616), Lý Thời Trân (Mậu Dần, 1578-1657), Hegel Goerg Wilhelm Friedric (Canh Dần, 1770-1831), Phan Huy Chú (Nhâm Dần, 1782-1840), Karl Mark (Mậu Dần, 1818-1883), Ivan Sergeevits Turgenev (Mậu Dần, 1818-1883), Tôn Trung Sơn (Bính Dần, 1866-1925), Chủ tịch Hồ Chí Minh (Canh Dần, 1890-1969), Tướng De Gaulle (Canh Dần, 1890-1970),…Cũng có quan niệm người tuổi Dần (đặc biệt là nữ) thường “cao số”, lận đận về đường tình duyên, nhất là không hợp với người sinh tuổi Hợi (vì quan niệm hổ sẽ “vồ” lợn?).        

Người ta thường làm chiếc vuốt hổ, hoặc răng hổ bịt vàng, bạc cho trẻ con đeo để trừ tà ma, hoặc người lớn cũng đeo cho đẹp, oai; răng, vuốt thật không có thì làm bằng sứ, kim loại. Một số người cho rằng ria hổ cắm vào búp măng tre có thể chế thành “ma thuốc độc” hại người để làm giàu. Tuy nhiên đây chỉ là quan niệm mê tín, hoang đường.  

Hình tượng hổ xuất hiện khá nhiều trong kho tàng văn học, văn hóa dân gian. “Hổ dữ không ăn thịt con”, “rừng nào cọp nấy”, “miệng hùm gan sứa”, “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, “nam thực như hổ…”, “mãnh hổ nan địch quần hồ”, “dữ như cọp”, “vuốt râu hùm”, cưỡi lên lưng cọp”, “hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, “Mèo tha miếng thịt xôn xao-Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”, “Con gái lấy phải chồng già-Cũng bằng con lợn cọp tha vào rừng”…

Khó lòng thống kê hết số lượng và kiểu dáng tượng, phù điêu, tranh tường, tranh lụa, tranh giấy, tranh thờ…có hình hổ. Tuy rằng “Hoạ hổ hoạ hình nan hoạ cốt” (Vẽ hổ vẽ được hình dáng, khó vẽ được cốt cách, thần thái), nhưng bức “Ngũ Hổ” của tranh dân gian Việt Nam là một kiệt tác nghệ thuật.

Truyện dân gian có “Ông Nghè hóa cọp” chế giễu những người “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”. Giai thoại về bác Ba Phi ở Cà Mau (Nguyễn Long Phi, 1884-1964) còn có chuyện bắt cọp xay lúa, xử án cọp. Trong truyện cổ tích “Trí khôn ta đây”, con hổ hiền lành, dại dột, bị người lừa. Giai thoại “Con hổ có nghĩa” đã được đưa vào SGK cho thấy hổ cũng là con vật có tình nghĩa, biết đền ơn xứng đáng người đã giúp đỡ mình. Tác phẩm “Bí mật trên đồi Hổ táng” (1985) của nhà văn Bá Dũng cũng nhắc đến truyền thuyết này. Còn bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ thì đã trở nên quá nổi tiếng. “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!” là lời than thở của vị chúa sơm lâm sa cơ, song vẫn khát khao cháy bỏng những ngày tháng tự do tung hoành.  

Tục ngữ có câu “Hổ chết để da”. Bộ da hổ tuyệt đẹp luôn là niềm mơ ước của nhiều người. Ngày nay, chỉ có những gia đình đại phú quý mới có được bộ da hổ nhồi bông, sinh động như hổ thật. Đặc biệt truyền thuyết về tác dụng thần kì của cao hổ cốt khiến cho hổ trở nên có sức hấp dẫn ghê gớm, trở thành mục tiêu số một của những tay săn hổ, đầu nậu buôn hổ.

Cao hổ cốt có phải là “thần dược” hay không, đến nay khoa học chưa kiểm chứng, song điều đó đã đẩy hổ vào tình trạng hết sức nguy hiểm. Bây giờ lại có chuyện hổ sợ người. Một lạng cao hổ cốt chính hiệu giá lên đến mấy chục triệu đồng. Hổ thật không đủ, người ta làm hổ giả. Đã có những “nghệ nhân” chuyên chế tác xương chó, xương trâu…thành xương hổ, với những đặc trưng y như thật, và ráp lại thành một bộ “hổ cốt” hoàn chỉnh.

Thậm chí có những nơi người ta làm giả xương hổ bằng…bê tông, để lừa những người mê thần dược hổ cốt nhưng thiếu hiểu biết. Vì vậy, bây giờ các “đại gia” chỉ mua hổ nguyên con ướp lạnh và thuê người về nấu tại nhà. Từ một biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, huyền bí của rừng xanh, hổ đã trở thành biểu tượng cho lời kêu gọi bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Trên toàn thế giới hiện còn chưa đủ 10.000 con hổ, có những loài hổ đã bị tuyệt chủng như hổ Hoa Nam (Trung Quốc).

Ở Việt Nam có tài liệu nói rằng còn khoảng 100-200 con hổ trong tự nhiên, nhưng nhiều người tin rằng không đạt tới con số đó. Hy vọng rằng trong tương lai, hổ không bị biến mất vĩnh viễn, chỉ còn lại trong phim ảnh, quảng cáo, hay viện bảo tàng.
 
Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện  Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh 

LTS Dân trí - Năm Canh Dần nói chuyện Hổ, một loài vật hoang dã tượng trưng cho sự dũng mãnh, cho nên Hổ đã trở thành một hình tượng đẹp trong văn học nghệ thuật và truyền thuyết dân gian… Những câu chuyện tản mạn về lòai vật “chúa tể sơn lâm “ này, nhiều người đã từng nghe, từng đọc, và bài viết trên đây cung cấp thêm một số thông tin mới, góp phần mua vui trong dịp đón năm mới mang tên năm Canh Dần.