Muốn dạy con nên người...

Tôi thấy có nhiều ý kiến khác nhau về việc giáo dục học sinh và nuôi dạy con cái với nhiều lý luận và dẫn chứng thực tế. Dưới góc độ một người con và người anh có em trai còn bé (kém13 tuổi), tôi có nhận xét đơn giản thế này. Muốn dạy trẻ em thành người tốt trước hết người lớn phải tốt cái đã.

Cùng ở Việt Nam, cùng một nền giáo dục như vậy nhưng có người giỏi, đạo đức tốt, có kẻ bê tha, không theo kịp chương trình trên lớp. Vậy nguyên nhân từ đâu? Nếu xét một cách tổng quát, những gia đình có bố mẹ là người tốt, chăm chỉ lao động, không chụp giựt, lừa dối kiếm tiền thì con cái đều ngoan ngoãn, thành công (dĩ nhiên có trường hợp cá biệt). Bởi thế nếu con cái hư hãy nhìn lại phương pháp giáo dục của người lớn. Chỉ yêu thương chưa đủ, mà phải yêu thương đúng cách.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Cha mẹ, thầy cô giáo cần xem lại cách mà mình đang ứng xử với trẻ con, người lớn cũng phải học nhiều, phải điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với đứa trẻ, không thể áp đặt hoàn toàn. Thật buồn cười khi ông bố luôn bắt con ngồi học bài từ 7g sáng đến 10g tối trong khi mình ngồi xem tivi. Trẻ em cũng giống như tờ giấy trắng; tờ giấy ấy có thành bức tranh đẹp hay không là do họa sĩ chứ không phải do tờ giấy.

 

Việc nuôi dạy trẻ em không có nguyên tắc nhất định nhưng tôi cũng mạnh dạn đưa ra một số định hướng sau:

 

1. Không dùng vũ lực với trẻ em. Người lớn cần bình tĩnh, tôn trọng ý kiến con cái, đồng thời không chiều chuộng, biết dạy con phân biệt đúng sai. Dĩ nhiên phải làm gương chứ không chỉ nói lý thuyết (cái này trẻ em hiểu nhanh lắm).

 

2. Trẻ em cũng có quyền đòi hỏi, bày tỏ những gì mình thích, hay không. Tránh thụ động, vâng lời máy móc. Người lớn cần phân tích đúng sai, cho hay không phải có lý lẽ rõ ràng.

 

3. Môi trường gia đình rất quan trọng vì đứa bé tiếp xúc nhiều nhất cũng như yêu quý bố mẹ nhất. Một khi bố mẹ làm điều không tốt, lục đục chia tay, hay la mắng, đánh đập trẻ vô lý sẽ làm sụp đổ thần tượng, rồi con sẽ bất cần đời.

 

4. Mục tiêu chính: con cái sẽ thành một công dân tốt, thành công trong sự nghiệp khi trưởng thành chứ không phải đạt được giải này giải nọ. Không nên để những mục tiêu ngắn hạn làm trẻ bị kiệt sức, chán ghét việc học.

 

5. Hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn chưa đạt yêu cầu. Những thầy giáo, cô giáo gây ra các hiện tượng nổi cộm hiện nay có tuổi đời không quá già, là sản phẩm của hệ thống giáo dục 20, 30 năm trở lại đây. Hiện nay lại tập trung vào đào tạo đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ, dường như coi nhẹ cấp 1, cấp 2 mới là bậc học căn bản nhất để hình thành nhân cách, phương pháp học. Vẫn để thả lỏng cho quay cóp trong giờ làm bài ở lớp, sự thiếu gương mẫu của các thầy cô giáo hay những tiết dự giờ hình thức… những điều đó đã ảnh hưởng xấu đến tính tự giác, tính trung thực và sự hình thành nhân cách của học sinh Cuộc vận động “Hai không” trong ngành giáo dục đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa.

 

Tôi chưa có kinh nghiệm thực tế nuôi và dạy con, chắc còn có những ý kiến chưa chuẩn xác. Rất mong mọi người góp ý, thảo luận thêm. Nếu có thể đưa ra những phương pháp nuôi dạy trẻ cụ thể thì hay lắm thay.

 

Dang Ba Khac Trieu
(dangtrieu@gmail.com)
University of Tsukuba 

 

 

LTS Dân trí - Bao giờ cũng vậy, gia đình luôn là cái nôi sinh thành, dưỡng dục của mọi trẻ em, để lại cho các em những kỷ niệm, những ấn tượng đầu đời không thể phai mờ. Điều đó cho thấy vai trò giáo dục, gương mẫu của cha mẹ đối với con cái là hết sức quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc  đến việc hình thành nhân cách ở trẻ.

 

Đúng như tác giả bài viết trên đây đã nhận xét và kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy những gia đình vốn sống có truyền thống gia giáo, coi trọng việc giáo dục và học hành của con cái thì thời nào cũng vậy, con em họ đều trở thành người tốt và thành đạt.

 

Rất đáng tiếc là thời nay, nhiều bậc cha mẹ vì mê mải làm ăn, bươn chải làm giầu, mà quên mất nhiệm vụ giáo dục con cái, hầu như phó mặc cho các thầy cô và người giúp việc Thường những gia đình như thế đều phải gánh chịu những hậu quả không vui.