Lời hứa của các Chính trị gia

Sống ở trên đời, ai cũng ít nhất một lần được hứa! Lời hứa là hành vi ứng xử bình thường giữa con người với nhau. Thường thì lời hứa đi đôi với việc làm hay người ta đã hứa là làm và làm bằng được, để giữ lời hứa hay giữ uy tín của mình.

Lời hứa của người cán bộ, Đảng viên nhất là cán bộ có trọng trách càng cao, thì lại phải có trách nhiệm thực hiện nó cáng lớn, bởi ngoài uy tín, trách nhiệm cá nhân, họ còn đại diện cho tổ chức, trách nhiệm của tổ chức và uy tín của tổ chức mà họ được giao, đảm nhận.
 
Một cán bộ trung ương hay tỉnh, tuyện đi thăm và làm việc tại cơ sở. Một đại biểu Quốc hội, hay Hội đồng nhân dân các cấp khi đi gặp mặt, tiếp xúc cử tri! Thường được cơ sở hay bà con nhân dân trao đổi, cung cấp và cả những đề xuất, kiến nghị nhờ quan tâm, giải quyết hoặc đề đạt trên giải quyết.
 
Tất nhiên cơ sở và cử tri sẽ nhận được lời hứa của các vị! Ai giữ lời hứa, sẽ được nhân dân tin, trọng. Ai thất hứa với dân, thì sẽ bị dân coi thường. Và tất nhiên lần sau có đến thì dân hoặc không tiếp hoặc không thèm đề đạt ý kiến với vị ấy nữa.
 
Điều đáng quan tâm hiện nay là trong hệ thống pháp luật của ta chưa quy định rõ trách nhiệm thực hiện lời hứa trước dân của các công chức hay các vị có chức quyền. Không có chế tài xử phạt với ai hứa không đúng, hứa không làm, hứa một đằng làm một nẻo. Vì vậy bây giờ lời hứa gió bay, hứa suông, hứa cho kêu để lấy lòng dân, lấy phiếu bầu khá phổ biến. Việc làm này không chỉ làm cho cá nhân, cơ quan, tổ chức công quyền, uy tín của Đảng và Nhà nước bị suy giảm. Mà còn làm cho hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bị ảnh hưởng lớn.
 
Chúng tôi theo dõi nhiều cuộc chất vấn của Đại biểu Quốc hội với các vị Bộ trưởng và cả các thành viên trong chính phủ. Cử tri cũng đã nhiều lần nghe các vị ấy hứa, nhất là công cuộc chống tham nhũng, lãng phí... thì có lẽ kỳ họp nào cũng được nghe nhiều lần về “Kiên quyết”; “Đẩy mạnh, tấn công triệt để"  rồi "loại bỏ tham nhũng...”. Nhưng thực tế thì kết quả chưa được là bao.
 
Có người nói rằng lại lời nói gió bay, hứa cho qua chuyện, cho êm việc tại nghị sự. Bởi kỳ họp sau không ai nhắc đến việc lần trước! Ai hứa chưa làm? Lý do tại sao? Để làm rõ vấn đề, cần thiết thì miễn nhiệm nếu thật sự không có năng lực thực hiện hoặc truy cứu trách nhiệm nếu vi phạm. Bởi vậy nhân dân bây giờ thường nói lời thề (hứa) của các vị: “Thề như cá trê chui ống”.
 
Vừa qua, có một báo đã đưa ra con số thống kê việc thực hiện lời hứa của các vị đại biểu của một tỉnh như sau: có 70% lời hứa của các vị là hứa suông; 20% lời hứa thực hiện nửa vời. Và chỉ có 10% lời hứa được thực hiện.
 
Phải chăng "Lời hứa của các chính trị gia" chỉ có giá trị vậy sao?
 
 
Phùng Văn Mùi

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm